Gia Lai: Tạo sinh kế bền vững từ di sản văn hóa
Cập nhật: 01/11/2023
Hội nhập toàn cầu đã tạo ra cơ hội cho các quốc gia gần nhau hơn, nhưng cũng khiến bản sắc văn hóa truyền thống dễ nhạt phai. Nhằm bảo tồn, phát huy và tạo sinh kế từ các di sản văn hóa, tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, kết nối sản phẩm với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.  

Nghệ nhân Ưu tú Ksor Nao với đam mê tạc tượng gỗ. Ảnh: Vũ Hạnh

Nghệ thuật điêu khắc dân gian của các dân tộc Tây Nguyên tập trung nhất ở việc chế tác tượng gỗ. Tượng có trong cuộc sống của cộng đồng dân cư. Tượng được đặt ở những nơi mọi người dễ nhìn ngắm nhất: nhà mồ, nhà rông, nhà dài, nơi cầu thang lên xuống, quanh hàng rào, cổng làng... Ngày nay, với các mục đích, chức năng khác nhau, tượng gỗ hiện diện trong cuộc sống thực tại, là những biểu hiện sự tiếp biến về vai trò, chức năng của tượng gỗ trong xã hội hiện đại, như: Cầu thủ đá bóng, xe gắn máy, xe ô tô, máy bay... cũng được đưa vào chế tác.

Tượng gỗ dân gian là di sản văn hóa của người Tây Nguyên nói chung và người Jrai, Bahnar ở tỉnh Gia Lai nói riêng. Với chức năng làm đẹp không gian sống, tượng được trưng bày ở nhiều địa điểm sinh hoạt cộng đồng như nhà mả, nhà rông, nhà dài... Trong nhiều năm qua, vì nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, nghề điêu khắc dân gian bị mai một, lực lượng nghệ nhân bị giảm sút. Tượng gỗ chỉ có mặt ở những buôn làng xa xôi, những khu nhà mồ heo hút nên ít người biết đến.

Từ một đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được nghiệm thu đạt loại xuất sắc năm 2017, Hội đồng Anh tại Việt Nam đã thực hiện dự án “Phát huy giá trị tượng gỗ dân gian của người Bahnar, Jrai ở Gia Lai”. Đây là một trong 4 dự án được Hội đồng Anh lựa chọn, tài trợ tại Gia Lai để bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc tại địa phương.

Đầu năm 2022, thủ tục dự án được hoàn thiện. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và nhà văn Thu Loan, Chủ nhiệm dự án đã tập trung 17 nghệ nhân từ các huyện, thị xã, thành phố về thành phố Pleiku tham gia lớp bồi dưỡng kỹ thuật làm tượng. Ban Tổ chức đã mời các nghệ nhân ưu tú, chuyên gia điêu khắc trao đổi kinh nghiệm, góp ý tạo hình khối, chỉnh đường nét, làm cho các bức tượng đẹp hơn, dần trở thành các tác phẩm nghệ thuật thực sự, mang đậm chất văn hóa Tây Nguyên. Qua đây, nhiều nghệ nhân lần đầu biết đến các kỹ thuật cơ bản, hiểu ra cách chau chuốt, kỹ lưỡng hơn cho một tác phẩm điêu khắc. Nhờ đó, tay nghề được nâng lên rõ rệt. Đây cũng là dịp để nghệ nhân ở các địa phương khác nhau trong tỉnh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng để tiếp tục duy trì nghề khắc tượng gỗ - một di sản văn hóa quý giá cần phải nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy.

Cùng với đó, dự án còn đẩy mạnh việc hướng dẫn làm các bức tượng nhỏ có kích thước 20x30cm, 20x40cm, 20x45cm. Tượng nhỏ có ưu điểm gọn nhẹ, giá cả phải chăng, từ 180.000-350.000 đồng/tượng để làm quà lưu niệm, quà tặng cho du khách, người thân. Quan trọng nhất là loại tượng nhỏ sẽ phù hợp với việc tìm kiếm gỗ. Có thể tận dụng được các cây trồng trong vườn, rẫy và phù hợp với nhu cầu của con người trong đời sống hiện đại. Từ việc thu nhỏ, các sản phẩm tượng có thể trở thành một loại hàng hóa lưu niệm bán ra thị trường, tạo sinh kế bền vững cho nghệ nhân. Khi sản phẩm đi vào đời sống thì chính người Jrai, Bahnar được hưởng lợi từ di sản văn hóa của mình và đây cũng là hình thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống thiết thực, bền vững nhất.

Nghệ nhân ưu tú Ksor Nao (phường Đống Đa, thành phố Pleiku) tâm sự: “Tôi đã và đang làm cả trăm bức tượng để trưng bày trong nhà, ngoài vườn để lưu giữ cho con cháu, dân làng biết. Khách du lịch nước ngoài, trong và ngoài tỉnh có thể dễ dàng đến xem, nhìn, ngắm. Nếu tượng gỗ chỉ đặt ở những khu nhà mồ, những buôn làng xa thì du khách khó biết đến tượng gỗ của người Jrai”.

Thiếu nữ dân tộc Jrai duyên dáng bên tượng gỗ. Ảnh: Vũ Hạnh

Nghệ nhân A Jưk ở làng Piơm, thị trấn Đak Đoa hào hứng kể: “Tôi rất vui khi được tham gia lớp bồi dưỡng nâng cao chất lượng làm tượng. Tôi mong có điều kiện để mình được thi, được học hỏi kinh nghiệm của những người làm tượng ở những làng khác để càng ngày càng làm tượng đẹp hơn, chỉ tiếc số lượng người được phép tham gia ít quá. Cả huyện chỉ có một mình tôi. Sau này, Nhà nước có điều kiện hỗ trợ nhiều thì sẽ có nhiều người tham gia hơn, sẽ vui hơn”.

Nghệ nhân Hdil ở huyện Krông Pa tâm sự: “Nhiều năm nay, làng mình không tổ chức lễ bỏ mả. Thanh niên trong làng rất ít người biết làm tượng gỗ. Bản thân tôi yêu thích làm tượng từ lâu, nhưng ít làm nên tay cũng chậm chạp, mắt cũng không tinh nữa. Tôi tham gia lớp bồi dưỡng để học hỏi xem mọi người làm thế nào. Những ngày cùng chung sức làm việc với tất cả mọi người, già có, trẻ có, tôi thấy vui quá. Nhất định về làng, tôi sẽ kể chuyện, động viên thanh niên, những người trước kia biết làm tượng sẽ không bỏ nghề. Mỗi khi có lớp bồi dưỡng, tập huấn, nhất định sẽ tham gia đông đủ”.

Nghệ nhân Ksor Ying ở làng Ngok 4, xã Ia Ka, huyện Chư Păh cho biết: “Các nghệ nhân luôn luôn mong muốn lưu giữ việc làm tượng truyền thống của địa phương. Mọi người rất vui mừng với hoạt động này. Tôi mong có thêm nhiều tổ chức, các cơ quan, đoàn thể cùng các cấp chính quyền tiếp tục tạo điều kiện, quan tâm hơn để giữ gìn văn hóa truyền thống của người dân tộc ở Gia Lai, trong đó có việc làm tượng gỗ”.

Gia Lai có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đồ sộ. Trong đó, có những di sản đầy tiềm năng để phát triển kinh tế như tượng gỗ dân gian làm quà tặng lưu niệm bán cho du khách như hiện nay của một số nghệ nhân giỏi tay nghề tại thành phố Pleiku, xã Chư Păh, Đak Đoa. Hy vọng trong tương lai gần, tượng gỗ dân gian - sản phẩm văn hóa độc đáo của nền điêu khắc của Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng, sẽ đến được với nhiều vùng, miền của đất nước và trên thế giới để nghệ nhân có được cuộc sống đủ đầy, no ấm hơn. Khi đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, của tượng gỗ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên mới ngày càng bền vững.

Thúy Hạnh

Báo Biên Phòng - bienphong.com.vn - Đăng ngày 24/10/2023