Hồi sinh cồng chiêng Mrông Yố (Gia Lai)
Cập nhật: 11/10/2023
Cuối năm 2004, tại Bảo tàng Dân tộc học (Hà Nội), đội cồng chiêng làng Mrông Yố (xã La Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) có chương trình biểu diễn mở màn hội thảo quốc tế để hoàn thiện hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trình UNESCO. Sau đó, đội chiêng còn góp mặt trong nhiều sự kiện quan trọng góp phần quảng bá cồng chiêng Tây Nguyên. Trải theo thời gian, đội chiêng làng Mrông Yố vẫn chứng minh giá trị và sức sống mạnh mẽ.

Đội chiêng thiện nghệ

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) - người được Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Khê giao nhiệm vụ điền dã, lập hồ sơ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cho biết: Hội thảo quốc tế diễn ra vào tháng 10/2004 tại Hà Nội nhằm khẳng định giá trị di sản cồng chiêng trước khi trình UNESCO. Các đội cồng chiêng đại diện cho các tộc người 5 tỉnh Tây Nguyên được mời biểu diễn phục vụ hội thảo.

Dẫn chương trình là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Hùng Thoan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Ông cũng là người chỉ huy cuộc điền dã trên Tây Nguyên thu thập dữ liệu cho hồ sơ UNESCO từ tháng 5 đến tháng 6/2004.

Mở đầu chương trình hội thảo là các tiết mục của đoàn cồng chiêng Jrai đến từ làng Mrông Yố. Đội trưởng Rơ Châm Hmut đứng lên giới thiệu một cách đầy tự hào 4 bài nhạc chiêng mà đoàn biểu diễn gồm: Ăn lúa mới, Đi hái rau, Cúng nhà rông, Ăn pơ thi.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ: “Đội cồng chiêng làng Mrông Yố là một tập thể những nghệ nhân Jrai thiện nghệ nhất mà tôi từng gặp trong 19 năm đi về trên Trường Sơn - Tây Nguyên”.

Đội chiêng làng Mrông Yố trình diễn tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: H.N

Với sự đóng góp, gìn giữ di sản âm nhạc dân tộc, các nghệ nhân làng Mrông Yố đã được ghi danh trong hồ sơ của UNESCO. Ngay sau khi không gian văn hóa cồng chiêng được vinh danh (ngày 25/11/2005), Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC đã mời đội chiêng làng Mrông Yố ra Hà Nội tham gia cầu truyền hình đón Giao thừa năm mới 2006.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền kể: “Đây là sự kiện mang dấu ấn lịch sử, là lần đầu tiên một đoàn cồng chiêng Tây Nguyên được lên sóng truyền hình trực tiếp trước sự chứng kiến của khán giả cả nước. Cuối chương trình, các nghệ nhân Mrông Yố còn chơi thêm 2 bài chiêng cổ thường sử dụng trong lễ ăn trâu để dành tặng riêng cho Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê - người được UNESCO giao trọng trách phản biện bộ hồ sơ cồng chiêng. Ông đã rất xúc động trước món quà vô giá này”. 

Năm 2016, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền một lần nữa giúp lan tỏa hình ảnh những nghệ nhân làng Mrông Yố trong chuỗi phim tài liệu “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên” phát trên VTV1. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cho biết, đội cồng chiêng Mrông Yố sử dụng một trong những dàn cồng chiêng lớn nhất, có cấu trúc dàn nhạc phức tạp nhất trên Tây Nguyên. Chỉ những nghệ nhân thiện nghệ nhất mới có thể làm chủ được dàn nhạc kỳ vĩ, đưa thanh âm đẹp đẽ của cồng chiêng Tây Nguyên vang vọng ngàn đời.

Ông cũng chia sẻ, càng khám phá và giải mã cồng chiêng Tây Nguyên, ông càng choáng ngợp trước vẻ đẹp, sự kỳ vĩ và cả những bí ẩn của nó cũng như các loại nhạc cụ truyền thống của người Jrai Mrông Yố nói riêng và các tộc người ở Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung.

 

Đội cồng chiêng làng Mrông Yố (xã La Ka, huyện Chư Pah) trình diễn tại chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Hoàng Ngọc

Hồi sinh cồng chiêng Mrông Yố

Gần 20 năm được ghi danh vào hồ sơ của UNESCO, những nghệ nhân của đội cồng chiêng Mrông Yố đến nay có người còn, người mất. Đặc biệt, sự ra đi của đội trưởng đa tài Rơ Châm Hmut (năm 2021 )- người được nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đánh giá là “một tài năng lớn của núi rừng Tây Nguyên, một biểu tượng gìn giữ văn hóa tộc người” đã để lại một khoảng trống khó bù đắp trong tiếp nối mạch nguồn văn hóa Jrai ở vùng đất này.

“Ông là người hùng dẫn đầu đoàn cồng chiêng Jrai trong vũ điệu múa trống rực lửa. Chính ông đã dạy tôi tiếng hú gọi bầy của đại ngàn để ôm ấp, để khát khao, để nhung nhớ những tiếng vọng của Trường Sơn - Tây Nguyên; để mỗi khi có dịp về với buôn làng, tôi thấy mình như được trở lại quê hương” - nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền nhớ lại.

Đó cũng là lý do hàng chục năm qua, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền vẫn đi - về Mrông Yố. Chứng kiến sự mong manh của di sản âm nhạc cồng chiêng trước nhiều tác động, nhất là sự phai nhạt danh tiếng của đội cồng chiêng lừng lẫy thuở nào, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã góp phần “hồi sinh” đội chiêng Mrông Yố trong dự án khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Dự án tặng cho làng 1 bộ chiêng truyền thống, đồng thời được chuyên gia hướng dẫn cách khôi phục thang âm để chơi đúng và hay nhất những bản nhạc trong kho tàng đồ sộ, kỳ vĩ của âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên.

Sau một thời gian tập luyện dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chuyên gia, đội chiêng Jrai làng Mrông Yố được bổ sung, phục hồi, chính thức ra mắt vào tháng 10 này. Ngay sau lễ ra mắt, đội cồng chiêng và xoang của làng đã diễn đầy thuyết phục trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm” vào tối ngày 7/10 vừa qua tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku).

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (bìa phải) đã theo sát với đội cồng chiêng làng Mrông Yố từ năm 2004 khi lập hồ sơ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trình UNESCO. Ảnh: Hoàng Ngọc

Những thành viên đội chiêng từ 20 năm trước giờ chỉ còn lại vài người, trong đó có nghệ nhân Rơ Châm Brunh. “Mình rất xúc động khi được trình diễn cồng chiêng trước đông đảo mọi người y như trước đây. Mặc dù chỉ còn 6 người cũ thôi, nhưng đội chiêng Mrông Yố bây giờ có sự tham gia, tiếp nối truyền thống của thế hệ trẻ” - nghệ nhân Brunh nói.

Chị Siu Nguyệt (SN 2000) - thành viên đội cồng chiêng và xoang của làng trong dự án khôi phục cồng chiêng của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chia sẻ: “Nghe kể về đội chiêng của cha ông được ghi danh vào hồ sơ UNESCO, mình vô cùng tự hào. Vì vậy, mình cố gắng học hỏi, luyện tập chăm chỉ dưới sự hướng dẫn chuyên gia và các thế hệ đi trước để không ngừng tiến bộ. Đội chiêng và xoang đã có cơ hội biểu diễn phục vụ khách du lịch ở một số địa điểm như Farmstay Sâm Phát, Thủy điện Ia Ly, cồng chiêng cuối tuần tại Quảng trường Đại Đoàn Kết… đem những giá trị văn hóa độc đáo của người Jrai, nhất là văn hóa cồng chiêng giới thiệu cho mọi người”.

Theo nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền, tình yêu và sự say mê âm nhạc dân tộc, cồng chiêng lúc nào cũng rừng rực trong tâm hồn mỗi người Jrai Mrông Yố. Đó là ngọn lửa thiêng cao nguyên không bao giờ tắt. Bà con hăng say tập luyện là hình ảnh đẹp đẽ, minh chứng sự tiếp nối truyền thống tự hào của các thế hệ Mrông Yố.

Ông cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, rất cần sự giúp đỡ, định hướng để người dân làm sống dậy tiếng chiêng huyền thoại năm xưa. Ngoài các liên hoan, hội thi, hoạt động cồng chiêng cuối tuần, phục vụ trong các khu du lịch… là những cách làm mới mẻ để hồi sinh cồng chiêng, để cồng chiêng có thêm đất sống khi không gian truyền thống chịu nhiều tác động của quá trình phát triển.

Hoàng Ngọc

Báo Gia Lai - baogialai.vn - Đăng ngày 11/10/2023