Gia Lai mở “cánh cửa” du lịch di tích lịch sử
Cập nhật: 27/12/2023
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hệ thống di tích lịch sử đa dạng, phong phú. Việc đưa các di tích lịch sử vào khai thác du lịch đã góp phần tạo ra sức bật mới cho ngành du lịch tỉnh.  

Nâng tầm giá trị di tích

Du lịch di tích lịch sử là một loại hình du lịch khá phổ biến tại TP. Pleiku những năm gần đây. Với vị trí nằm ngay trung tâm thành phố, di tích Nhà lao Pleiku trở thành điểm đến thu hút khách tham quan.

Ông Rơ Châm Kát-nhân viên bộ phận Bảo tồn di tích lịch sử (Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao TP. Pleiku) cho biết: “Năm 1994, Nhà lao Pleiku được công nhận là Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia. Năm 2009, UBND tỉnh chỉ đạo trùng tu một số hạng mục tượng tù nhân, tượng sinh hoạt hàng ngày bằng chất liệu composit, bê tông và xây phòng để trưng bày một số hiện vật.

Năm 2017, di tích Nhà lao Pleiku là 1 trong 10 điểm đến du lịch hấp dẫn nhất tỉnh Gia Lai theo bộ tiêu chí công bố tốp điểm đến địa phương của Việt Nam”.

Khu di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê) nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Minh

Theo ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: “Thành phố có nhiều di tích lịch sử trở thành điểm đến của đông đảo du khách như: Di tích lịch sử cấp tỉnh Đền tưởng niệm liệt sĩ Hội Phú-nơi yên nghỉ của 200 liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968; Khu di tích lịch sử cách mạng Khu 9 (xã Gào)…

Để thu hút khách tham quan, chúng tôi tạo sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản và phát triển du lịch, tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với các giá trị văn hóa ở địa phương”.

Bên cạnh việc trùng tu, ban quản lý các di tích cũng đã đổi mới phương pháp hướng dẫn tham quan; cung cấp thông tin về di tích cho các hướng dẫn viên của công ty du lịch; tổ chức tham quan tại di tích, giúp du khách hiểu đầy đủ và sâu sắc hơn về nội dung giá trị của di tích.

Kbang được biết đến là địa phương có nhiềm tiềm năng, hội tụ đầy đủ yếu tố thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch di tích lịch sử. Hiện nay, huyện đã đầu tư, quy hoạch các điểm du lịch như: Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong; Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung); Vườn Mít-Cánh đồng Cô Hầu (xã Nghĩa An); Di tích lịch sử Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak…

Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đinh Đình Chi cho hay: “Cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển du lịch của huyện vẫn dựa trên 2 thế mạnh chủ yếu là giá trị các di sản và tiềm năng ưu đãi của thiên nhiên. Hàng năm, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, trong đó tập trung khai thác các tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch.

Huyện cũng đã tranh thủ các nguồn lực đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch đặc thù như: du lịch kết hợp với nghiên cứu lịch sử-văn hóa; xây dựng nội dung thuyết minh, hướng dẫn phục vụ khách tham quan”.

Là huyện vùng biên, Đức Cơ được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều thắng cảnh thiên nhiên hữu tình cùng với các di tích lịch sử như: Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty; Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ; Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Bồ (xã Ia Kla)…

Huyện đang nỗ lực “đánh thức” tiềm năng phát triển loại hình du lịch này. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, huyện đã xác định được 4 tuyến du lịch chính, trong đó có tuyến du lịch Di tích lịch sử Chiến thắng Chư Ty-Chư Bồ-Nghĩa trang Liệt sĩ Đức Cơ-đường Hồ Chí Minh-Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh với định hướng du lịch văn hóa-lịch sử.

Cùng với đó, huyện cũng tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư; tăng cường hợp tác, gắn kết với các trung tâm du lịch trong và ngoài tỉnh để hình thành loại hình du lịch di tích lịch sử, hướng đến bảo tồn, phát huy giá trị và xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù.

Đầu tư, liên kết để phát triển

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 34 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 quần thể di tích quốc gia đặc biệt gồm 9 di tích, 8 di tích quốc gia và 17 di tích cấp tỉnh.

Nổi bật nhất phải kể đến là Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo trên địa bàn 4 huyện, thị xã gồm: An Khê, Kông Chro, Đak Pơ, Kbang. Các cụm di tích thuộc quần thể này được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa quốc gia năm 1991.

Nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa-lịch sử của Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo, hàng năm, tại cụm di tích An Khê đình, An Khê trường, thị xã An Khê đều tổ chức lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, lễ Khai sơn, lễ cúng Quý Xuân và lễ giỗ Vua Quang Trung, thu hút đông đảo người dân trong vùng và du khách thập phương tới tham quan, tìm hiểu.

Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong (huyện Kbang) là điểm đến hấp dẫn của du khách muốn tham quan, tìm hiểu về lịch sử . Ảnh: Hà Duyệt

Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương phát triển du lịch như: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2017-2020 và giai đoạn 2021-2025; tập trung hoàn thành quy hoạch chi tiết các khu du lịch, điểm du lịch; triển khai các thủ tục khôi phục lập quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử...

Việc phát huy các lợi thế, tiềm năng về loại hình du lịch di tích lịch sử cũng được tỉnh quan tâm, đẩy mạnh. Việc khai thác các di tích lịch sử để phát triển du lịch và gắn di tích với du lịch không những đem lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội, thúc đẩy ngành du lịch tỉnh nhà phát triển mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, giới thiệu, truyền tải thông điệp rộng rãi đến du khách biết đến bề dày lịch sử hào hùng của vùng đất Gia Lai.

Di tích lịch sử là tài sản vô giá do các thế hệ trước để lại cho các thế hệ tiếp nối. Đó là cơ sở để sáng tạo nên những giá trị mới phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa của mỗi cộng đồng, dân tộc.

Vì vậy, để hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích đạt những kết quả tốt phải kể đến vai trò của cộng đồng, kết hợp hoạt động chuyên môn của các chuyên gia, nhà khoa học, cũng như cơ chế tổ chức, quản lý của các cơ quan, ban ngành.

Tại hội thảo về phát triển du lịch bền vững tỉnh Gia Lai vừa qua, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh-cho rằng: “Phát triển du lịch phải gắn với đảm bảo tính bền vững. Chính vì vậy, phải làm rõ Gia Lai thật sự có tiềm năng và lợi thế gì để phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Việc đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch di tích lịch sử được xem là giải pháp cụ thể góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững cho tỉnh nhà”.

Trong hơn 5 năm qua, ngành du lịch Gia Lai đã có bước “chuyển mình” thể hiện qua doanh thu và lượng khách du lịch tăng nhanh từng năm. Công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch được các cấp, các ngành quan tâm.

Theo đó, tổng vốn đầu tư hạ tầng du lịch giai đoạn 2017-2022 đạt trên 245 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu, trong đó có các điểm di tích lịch sử.

Khu di tích lịch sử cách mạng Khu 9 (xã Gào, TP. Pleiku) là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Trần Dung

Ông Hoàng Phương-Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông du lịch Le Pleiku: “Du lịch hướng về các di tích lịch sử, lễ hội đang dần chiếm ưu thế. Loại hình du lịch này cũng đã bắt đầu thu hút nhiều công ty lữ hành tham gia khai thác. Tuy nhiên, để thực sự thu hút du khách, ngành du lịch cần xây dựng nhiều hơn các mô hình, sản phẩm du lịch, các câu chuyện lịch sử, huyền tích gắn với các giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, vùng đất có di tích. Và muốn thực hiện được điều này đòi hỏi các địa phương cũng như đơn vị lữ hành cần hợp tác, liên kết với nhau một cách chặt chẽ theo một quy hoạch du lịch chung”.

Theo ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, ngoài việc khai thác những lợi thế sẵn có một cách có trọng tâm, trọng điểm, Gia Lai đã dành nguồn lực để trùng tu, tôn tạo và nâng tầm giá trị các di tích, thiết chế văn hóa được xếp hạng, nhất là các di tích lịch sử cách mạng; đồng thời, gắn hoạt động lễ hội với các di tích, tạo điểm đến du lịch hấp dẫn du khách; hướng dẫn và tạo sinh kế cho người dân từ hoạt động du lịch tại các di tích và khai thác giá trị của các di sản.

Cùng với đó, xây dựng các tour, tuyến du lịch thú vị, độc đáo để thu hút du khách đến với di tích và di sản của Gia Lai. Thu hút, kết nối các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh, thành trong cả nước xây dựng tour cuối tuần, trong đó có Gia Lai là điểm đến an toàn, thân thiện. Kêu gọi nguồn lực xã hội hóa bảo đảm sự thành công trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa tại các địa phương có di tích được công nhận.

Huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội, các chủ thể văn hóa, các doanh nghiệp vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử-văn hóa trên nguyên tắc Nhà nước quản lý, cộng đồng hưởng lợi.

Trần Dung

Báo Gia Lai - baogialai.com.vn - Đăng ngày 25/12/2023