Bình Định hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng
Cập nhật: 05/11/2012
(TITC) - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số 2048/QÐ-CTUBND về việc phê duyệt dự án khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh giai đoạn 2011-2015.

Mục tiêu của dự án là phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ; hỗ trợ xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận hoặc chỉ dẫn địa lý cho 5 sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Định (rượu Bàu Đá, nón ngựa Phú Gia, bánh ít lá gai, chả cá Quy Nhơn, chiếu cói Bình Định); đề xuất cải tiến quy trình công nghệ sản xuất và giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; xây dựng hệ thống tài liệu quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đã được bảo hộ nhằm góp phần tạo ra những sản phẩm truyền thống có giá trị cao, có thương hiệu trên thị trường.

Kế hoạch thực hiện trong năm 2012 sẽ ưu tiên hỗ trợ và đăng ký quyền sở hữu công nghiệp cho sản phẩm nón ngựa Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) và hỗ trợ phát triển nhãn hiệu tập thể rượu Bàu Đá (thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn) trên thị trường.

Nghề làm nón ngựa xuất hiện từ thế kỷ thứ 18, phổ biến khắp địa bàn hai huyện An Nhơn và Phù Cát của tỉnh Bình Định. Sản phẩm nón ngựa được bán ở chợ Gò Găng (nằm cách thôn Phú Gia ngày nay khoảng 5km về phía tây) và chỉ dành riêng cho tầng lớp quan lại, địa chủ (dân nghèo chỉ đội nón lá, nón chỉ lác). Hình ảnh những chiếc nón ngựa bịt giấy bạc có chạm trổ hoa văn rồng, phượng được tầng lớp quan lại, địa chủ đội khi cưỡi ngựa chính là lý do khiến nón có tên là nón ngựa. Ngày nay nghề làm nón ngựa chỉ còn được duy trì ở thôn Phú Gia.

Để có một chiếc nón ngựa bền, đẹp, người thợ phải thực hiện đủ 20 công đoạn, trong đó có 4 công đoạn chính gồm: tạo sườn mê, thắt nang sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá chằm chỉ. Đặc biệt, trước khi thực hiện các công đoạn làm nón, người thợ phải chuẩn bị kỹ lưỡng các nguyên liệu như: lá cọ lợp nón phải được phơi dưới ánh nắng mặt trời rồi phơi thêm trong sương đêm để lá bớt giòn; cây giang làm sườn nón phải được tuốt vỏ, phơi khô và chẻ nhỏ đều như cây tăm. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản giúp nón bền và đẹp là lá cọ và cây giang phải được thu hoạch vào đúng mùa vụ (khoảng cuối mùa đông đầu mùa xuân).

Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận đạt tiêu chuẩn làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam.

Cùng với nón ngựa Phú Gia thì rượu Bàu Đá cũng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Theo dân làng Cù Lâm, xưa kia nơi đây có một cái bàu bằng đá rộng khoảng vài hecta, chứa rất nhiều nước. Dân làng thường lấy nước trong bàu để sinh hoạt và nấu rượu. Rượu được nấu bằng nước trong bàu đá có vị thơm, ngon đặc trưng nên nổi tiếng khắp vùng, từ đó hình thành nên danh tửu Bàu Đá.

Dụng cụ nấu rượu gồm: củ tre cong, ruột rỗng để làm ống dẫn rượu từ lò ra chum; chum đất hứng rượu phải được bịt kín để tránh rượu bay hơi; dụng cụ làm mát hệ thống chưng cất rượu. Một mẻ rượu thường nấu 5 kg gạo nếp trong 6 tiếng, chưng cất được từ 2,5 đến 3 lít rượu nguyên chất. Khi chưng cất rượu, người ta thường để lửa cháy liu riu, tuy nhiên vẫn phải thường xuyên lắng nghe giọt rượu nhỏ nhanh hay chậm để điều chỉnh ngọn lửa. Đây chính là điểm quan trọng khiến rượu Bàu đá có nồng độ đạt tiêu chuẩn (hơn 50 độ) và hương vị đặc trưng.

Năm 2007, UBND tỉnh Bình Định đã công nhận Làng nghề rượu Bàu Đá ở Cù Lâm đạt danh hiệu làng nghề truyền thống.

Mang những nét đặc trưng cùng với chủ trương hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Bình Định, hai sản phẩm nón ngựa Phú Gia và rượu Bàu Đá sẽ ngày càng được nhiều du khách trong và ngoài nước biết tới và khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường.

Thanh Hải