Hà Nội: Khai thác tiềm năng phát triển du lịch Sóc Sơn
Cập nhật: 09/04/2024
Sóc Sơn là vùng đồi núi thấp ở phía bắc Thủ đô, có cảnh quan đẹp cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa.

Di tích quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn) là một điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch.

Đây là những lợi thế lớn để Sóc Sơn khai thác, phát triển du lịch. Hiện nay Sóc Sơn đang tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng những sản phẩm mới để thu hút khách du lịch.

TỪ trung tâm thành phố Hà Nội chỉ di chuyển hơn nửa giờ đồng hồ, khách du lịch đã có mặt ở một vùng sơn thủy hữu tình, đó chính là vùng đất Sóc Sơn. Không có địa bàn nào nằm sát Thủ đô mà lại có lợi thế cảnh quan sinh thái như Sóc Sơn. Tại đây có những ngọn đồi thấp chạy lô xô, xen kẽ giữa những quả đồi xanh mướt là những hồ nước thơ mộng. Cảnh quan này lại được điểm xuyết bằng những di sản văn hóa, những khu nghỉ dưỡng.

Trên địa bàn huyện có 341 di tích lịch sử văn hóa và 174 lễ hội được tổ chức hằng năm. Trong đó, có một di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 16 di tích xếp hạng di tích quốc gia, một di sản văn hóa phi vật thể thế giới (Lễ hội Gióng-đền Sóc)...

Trong Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cụm du lịch núi Sóc-hồ Đồng Quan được xác định là một trong sáu cụm du lịch trọng điểm của thành phố với các sản phẩm du lịch tâm linh gắn với hội Gióng; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần gắn với hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò...; du lịch thể thao, vui chơi giải trí, trường đua ngựa Sóc Sơn. Về hạ tầng, huyện Sóc Sơn có 204 cơ sở lưu trú với tổng số 1.454 phòng. Năm 2023 vừa qua, Sóc Sơn đón gần 1,2 triệu lượt khách du lịch.

Đánh giá tiềm năng thế mạnh phát triển du lịch của huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Hà Nội Hoàng Thị Điệp nêu rõ, bên cạnh các loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm, thể thao, nghỉ dưỡng cuối tuần...

Sóc Sơn còn có lợi thế phát triển sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe. Thời gian qua, Sóc Sơn đã phát triển mạnh du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng…

Vài năm trở lại đây, Sóc Sơn còn phát triển một loại hình du lịch mới là du lịch thể thao. Huyện Sóc Sơn đã xây dựng một số cung đường đẹp để tổ chức giải đua xe đạp địa hình, chạy bộ, leo núi, như các cung đường hồ Đồng Quan-hồ Kèo Cà-Tượng đài Thánh Gióng (dài 11 km), đền Sóc-Tượng đài Thánh Gióng (dài 5 km), hồ Đồng Quan-đền Sóc (dài 8 km), hồ Hoa Sơn-hồ Hàm Lợn-hồ Kèo Cà-hồ Đồng Quan (dài

15 km), hồ Hoa Sơn-hồ Hàm Lợn-Tượng đài Thánh Gióng (dài 10 km)… Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức thành công một số giải chạy bộ, đua xe địa hình thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia. Ngoài ra, trên địa bàn Sóc Sơn có hai sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế đang hoạt động là sân golf Minh Trí và sân golf BRG Legendhill Sóc Sơn. Dự án tổ hợp khu vui chơi, giải trí trường đua ngựa Sóc Sơn đang chuẩn bị triển khai, khi đi vào hoạt động sẽ trở thành trung tâm thể dục thể thao tầm cỡ quốc tế khu vực phía bắc sông Hồng.

Mặc dù vậy, du lịch Sóc Sơn vẫn chưa phát triển tương xứng với thế mạnh. Hiện nay, việc đầu tư khai thác du lịch chủ yếu theo hình thức tự phát, thiếu tính chuyên nghiệp, trên địa bàn chưa có khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Sóc Sơn cũng chưa có nhiều điểm vui chơi, giải trí.

Trên địa bàn huyện hiện có 637 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhưng đều nằm chung quanh khu vực hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò, đền Sóc... Huyện chưa có đặc sản mang nét riêng về ẩm thực địa phương. Sản phẩm hàng hóa phục vụ khách du lịch còn đơn điệu.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hồ Việt Hùng cho biết, phát triển du lịch được địa phương xác định là giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Trong đó, việc nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch là một trong những giải pháp quan trọng được huyện Sóc Sơn xác định nhằm hấp dẫn du khách.

Huyện sẽ tập trung xây dựng các chương trình và điểm du lịch hấp dẫn về văn hóa, di tích lịch sử, lễ hội truyền thống, khu sinh thái…; xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch-dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình và các hoạt động du lịch; đồng thời, tăng cường đầu tư xây dựng các dịch vụ như ngân hàng, trung tâm thông tin tại các điểm du lịch có khả năng phát triển; hiện đại hóa các công trình công cộng như công viên, trung tâm thương mại, hội chợ triển lãm…

Về phía các chuyên gia, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, huyện cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến để du khách biết đến du lịch địa phương, đồng thời thu hút nhà đầu tư lớn quan tâm đến tiềm năng thế mạnh địa phương.

Trong quá trình quảng bá sản phẩm du lịch, dịch vụ, địa phương nên tận dụng lợi thế gần sân bay quốc tế Nội Bài để quảng bá dịch vụ tại sân bay. Chủ tịch Hội đồng quản trị Sunvina Travel Tạ Hữu Chiến cũng bày tỏ tiếc nuối khi cụm di tích đền Sóc-chùa Non Nước rất đẹp, nhưng chỉ chủ yếu thu hút du khách vào ba tháng lễ hội đầu năm. Do đó, Sóc Sơn cần có nhà đầu tư lớn tạo điểm nhấn về lưu trú, cảnh quan để du lịch của huyện có thể phát triển tương xứng tiềm năng.

Bài và ảnh: Quảng Nam

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 04/04/2024