Phát triển du lịch cộng đồng ở Cát Bà
Cập nhật: 15/12/2010
Phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi mới của du lịch Cát Bà nhằm thu hút khách du lịch, thay đổi tính mùa vụ của du lịch tại địa phương. Vì vậy, đến Cát Bà vào bất kì thời điểm nào trong năm, du khách cũng sẽ được tận hưởng những dịch vụ du lịch hấp dẫn, thú vị. Không chỉ được ngắm cảnh đẹp của vịnh Lan Hạ, du khách còn có thể tham gia vào hành trình khám phá những điểm du lịch cộng đồng xã Việt Hải, Xuân Đám, Hiền Hào, Gia Luận….

Xã Việt Hải là điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách lựa chọn. Việt Hải có chưa đầy 80 hộ dân, nằm gọn trong thung lũng của Vườn quốc gia Cát Bà. Để phát triển nơi này thành điểm du lịch cộng đồng đón khách tham quan, xã Việt Hải đã tiến hành quy hoạch, xây dựng một số công trình kết hợp giữa làm kinh tế và phục vụ du lịch như: xây dựng trang trại chăn nuôi các loại động vật có hiệu quả kinh tế như lợn rừng, nhím, cầy hương, tắc kè... kết hợp nuôi các loại thú rừng cần bảo tồn phục vụ tham quan du lịch; phát triển một số lồng bè nuôi cá, tu hài... gắn với tham quan mặt nước câu cá; trồng các loại cây lương thực, thực phẩm, dược liệu... phục vụ nhu cầu ẩm thực và chữa bệnh; vận động người dân xây nhà kiến trúc thuần Việt, đảm bảo đủ điều kiện cho khách du lịch nghỉ tại gia đình để tham gia sinh hoạt cùng người dân; xây dựng khu nghỉ thân thiện với môi trường và phục hồi sức khỏe bằng cây thuốc dân tộc; ẩm thực dân tộc...    

Với phương châm “người dân tự làm du lịch”, tại xã Việt Hải, người dân sẽ tự cung cấp các dịch vụ du lịch cho khách như dịch vụ cho thuê xe đạp, xe ôm, dịch vụ lưu trú, ngoài ra còn mở rộng dịch vụ ăn uống với các món ăn được chế biến từ rau xanh, hải sản, ếch… Hơn nữa, do có lợi thế là người bản địa, thông thuộc từng ngóc ngách của núi, rừng, hang, động nên người dân có thể trở thành những người hướng dẫn viên giới thiệu các danh lam thăng cảnh cũng như những phong tục, tập quán, những sinh hoạt cộng đồng tại địa phương. Người dân vừa là hướng dẫn viên du lịch vừa là chủ nhà tiếp đón khách, điều này tạo cảm giác chân thực, gần gũi, khơi gợi trí tò mò của rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Đây cũng là một trong những nét du lịch khác biệt của người dân Việt Hải nói riêng và thành phố Hải Phòng nói chung. Đến với Việt Hải, du khách sẽ tạm quên đi những mệt mỏi đời thường để tận hưởng sự yên bình từ một vùng quê còn nguyên sơ, thuần hậu.  

Ngoài xã Việt Hải, ở Cát Bà còn có một số điểm du lịch cộng đồng khác cũng được chú trọng đầu tư phát triển như xã Xuân Đám, Trân Châu, Gia Luận… Với đặc thù địa hình vườn đồi xen kẽ trong các khu dân cư, người dân các xã này đã phát triển mô hình vườn cây ăn quả theo hướng duy trì và khôi phục các loại cây ăn quả truyền thống, đặc sản của địa phương như cây cam giấy. Một số gia đình kết hợp cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, khám phá vườn đồi với chế biến nhiều món ăn đặc trưng như gà Liên Minh, dưa chuột, rau xanh… phục vụ khách du lịch. Đây là mô hình thiết thực, tăng thu nhập từ sản phẩm hoa quả và dịch vụ du lịch đi kèm. Một số nơi còn vận động người dân trồng cây với kiến trúc vườn rừng kết hợp phát triển làng du lịch sinh thái cộng đồng. Phương hướng này là cách đón đầu cơ hội phát triển, thu hút khách du lịch, nhất là du khách nước ngoài đến khám phá thiên nhiên tại đảo Cát Bà.  

Xây dựng các điểm du lịch cộng đồng với những sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng và mới lạ là một trong những chiến lược nhằm giữ chân khách tại đảo Cát Bà; đồng thời tạo cơ hội cho người dân ở những địa phương này nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống từ các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nghỉ dưỡng, nhà hàng…    

Tuy nhiên, để du lịch cộng đồng thực sự phát huy hết hiệu quả, các cơ quan chức năng tại đây cần tích cực hỗ trợ về vốn, kỹ năng nghề nghiệp du lịch và có hành lang pháp lý rõ ràng đối với hoạt động du lịch, với khách du lịch… Đây chính là loại hình giúp phát triển kinh tế, xã hội địa phương, góp phần khắc phục tình trạng du lịch theo mùa vụ, phát huy tối đa tiềm năng và thế mạnh của vùng.

Phạm Phương (TTTTDL) tổng hợp