Đắk Lắk đẩy mạnh kết nối, tạo sức bật phát triển du lịch
Cập nhật: 23/09/2022
Có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nhưng đến nay du lịch Đắk Lắk vẫn kém xa kỳ vọng. Đắk Lắk đang cố gắng mở rộng liên kết, cả nội tỉnh và liên tỉnh để tạo sức bật cho du lịch địa phương.

Quảng Bình là một trong những tỉnh đang thực hiện liên kết du lịch với Đắk Lắk do những tương đồng về sinh thái, cảnh quan. Gần đây, 2 tỉnh đã bàn nhiều nội dung về nghiên cứu thị trường, mở đường bay Đồng Hới – Buôn Ma Thuột và nhiều nội dung hợp tác khác trong 5 năm tới. Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho rằng Đắk Lắk và Quảng Bình cùng có triển vọng phát triển du lịch xanh, nghỉ dưỡng, nhưng cũng có nhiều đặc thù riêng để phát huy, xây dựng thành những thương hiệu du lịch có giá trị.

Đắk Lắk ký kết chương trình thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các địa phương.

"Cùng với xây dựng sản phẩm du lịch thì hai địa phương đẩy mạnh công tác quảng bá và liên kết. Các doanh nghiệp cũng chủ động và cơ quan quản lý nhà nước cũng tăng cường công tác quản lý để vừa quản lý tốt các tài nguyên du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để phát triển du lịch tốt hơn" – ông Đặng Đông Hà cho biết.

Cùng với thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, Đắk Lắk còn ở trung tâm vùng Tây Nguyên, thuận lợi để kết nối du lịch với các tỉnh trong khu vực, nhất là với "người hàng xóm" Lâm Đồng - địa phương đã xây dựng được thương hiệu du lịch khá nổi tiếng.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết hai tỉnh đang cố gắng khắc phục những trở ngại về giao thông, để du lịch thực sự được kết nối: "Hiện nay đi từ Lâm Đồng qua Đắk Lắk khoảng gần 200km, đường đi rất khó khăn. Hai địa phương đang đề xuất dự án xây dựng đường cao tốc từ Lâm Đồng qua Đắk Lắk, từ đó nối với các tỉnh Tây Nguyên. Rất mong đường giao thông sớm được cải tạo, nâng cấp và xây mới, tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến với 5 tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra cần xây dựng một tiêu chí thống nhất về du lịch chất lượng cao, cũng như bộ tiêu chí để đánh giá về các hoạt động du lịch tại địa phương".

Kết nối du lịch sẽ tạo cho Đắk Lắk nhiều cơ hội tiếp đón nhiều khách trong nước và quốc tế.

Theo ông Đặng Gia Duẩn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk, với 49 dân tộc đang sinh sống tại tỉnh, Đắk Lắk có một nền văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu và rất độc đáo. Thời gian qua, tỉnh này đã có nhiều đề án liên quan đến phát triển du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, có cả nghị quyết chuyên đề về bảo tồn văn hóa cồng chiêng. Đắk Lắk cũng đã xác định phát triển du lịch là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Đây là những cơ sở để gắn kết phát triển văn hóa với phát triển du lịch ở địa phương này.

Nền văn hóa đa dạng, nhiều sắc màu của các dân tộc tại Đắk Lắk.

Ông Đặng Gia Duẩn nói: "Những công trình nào, địa điểm nào có thể phát huy tốt mà hấp dẫn khách du lịch thì sẽ ưu tiên đầu tư; thu hút ngày càng đông du khách và nhiều các nguồn lực đầu tư vào tỉnh thông qua các hoạt động đó. Đắk Lắk sẽ khác biệt với các địa phương khác ở bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, trong đó có rất nhiều dân tộc thiểu số lưu giữ bản sắc văn hóa độc đáo và gắn kết với phát triển du lịch. Chúng tôi mong muốn nguồn thu từ phát triển du lịch sẽ đóng góp quan trọng vào kinh tế của Đắk Lắk trong thời gian tới".

Với nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch, Đắk Lắk đang có những bước đi để khai thác và phát triển du lịch một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Trong đó, việc đẩy mạnh kết nối, liên kết với các tỉnh thành trên khắp cả nước được kỳ vọng sẽ tạo sức bật cho du lịch, giúp "ngành công nghiệp không khói" có thể tạo ra nhiều giá trị hơn cho sự phát triển kinh tế, xã hội tại Đắk Lắk./.

H Xíu

 

VOV - vov.vn - Ngày đăng 23/9/2022