Mừng lễ Sen Đôn-ta của đồng bào Khmer tại Cà Mau
Cập nhật: 20/09/2017
Ngay khi thu hoạch vụ lúa hè - thu, đồng bào Khmer tỉnh Cà Mau hồ hởi đón lễ Sen Đôn-ta. Đây là một trong ba lễ hội lớn trong năm của đồng bào, còn gọi là lễ cúng ông bà, được ví như lễ Vu lan báo hiếu của đồng bào người Kinh. Chính lễ năm nay được tổ chức từ ngày 18 đến ngày 20/9 dương lịch.

Chiều 19/9, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Phạm Bạch Đằng đến thăm, tặng quà Ban Quản trị chùa Monivongsa (phường 1, TP. Cà Mau), chúc đồng bào dân tộc Khmer đón lễ Sen Đôn-ta vui tươi, đoàn kết, tiết kiệm, an toàn và hạnh phúc.

Trong những ngày diễn ra lễ Sen Đôn-ta, nhiều đoàn cán bộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ, Ban Dân tộc tỉnh Cà Mau và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ… đến thăm, chúc mừng, tặng quà tại các chùa Phật giáo Nam Tông, các Salatel (nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào Khmer) trên địa bàn tỉnh. Ngoài những phần quà cùng lời chúc mừng tốt đẹp, tại những nơi đến, đoàn cũng ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực của các vị sư sãi, đồng bào Khmer trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời mong muốn đồng bào Khmer tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Vào mùa lễ Sen Đôn-ta, các gia đình đồng bào Khmer thực hiện chu đáo nghĩa vụ và nghi thức mùa lễ từ dâng cơm tại chùa, cúng rước ông bà tại nhà, đi lễ chùa và cúng đưa ông bà.

Là một trong những tỉnh có đông đồng bào Khmer tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, đồng bào Khmer được thụ hưởng nhiều chính sách chăm lo từ Trung ương đến địa phương, như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, vay vốn chuyển đổi ngành nghề… Con em đồng bào Khmer học trong các trường nội trú còn được miễn học phí, hỗ trợ nơi ăn, chốn ở. Vào dịp hè hàng năm, chính quyền địa phương còn tổ chức các lớp học hè để dạy chữ Khmer ngữ cho con em đồng bào Khmer, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.

Những chính sách mang tính kịp thời từ Trung ương, sự chăm lo tốt từ chính quyền địa phương cùng với tính cần cù, chịu khó lao động đã giúp đời sống của đồng bào Khmer Cà Mau cải thiện theo chiều hướng tích cực, diện mạo Phum, Sóc Khmer không ngừng đổi mới.

Báo NDĐT