Xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam giai đoạn 2014- 2020
Cập nhật: 18/03/2014
Tổng cục Du lịch khẳng định năm nay sẽ đưa ra rất nhiều giải pháp để đạt được mục tiêu 8 triệu khách quốc tế và gần 40 triệu lượt khách nội địa với doanh thu du lịch là 220.000 tỷ đồng. Ngành du lịch cũng đang gấp rút hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến du lịch là giải pháp trọng tâm.

Năm 2014 bắt đầu với nhiều tín hiệu vui từ du lịch. Hai tháng đầu năm lượng khách quốc tế đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2013. Càng ngày các địa danh của Việt Nam càng xuất hiện thường xuyên trên các chuyên trang du lịch uy tín của thế giới. Việt Nam lọt vào Top 25 điểm đến hấp dẫn ở châu Á năm 2013 do trang web du lịch lớn nhất thế giới TripAdvisor bình chọn; Hội An dành danh hiệu thành phố cảnh quan năm 2013 của châu Á theo bình chọn của Tổ chức định cư con người liên hợp quốc tại châu Á; thành phố Hội An lọt vào danh sách những thành phố lãng mạn nhất thế giới trong dịp Valentina 2014 do tạp chí Indiatimes của Ấn Độ công bố; vịnh Hạ Long cũng lọt vào Top 10 điểm đến lãng mạn, ngọt ngào trong dịtp Valentine 2014 do tạp chí National Geographic uy tín của Mỹ xếp hạng; tạp chí du lịch nổi tiếng Business Insider vừa bình chọn hang Sơn Đoong của Việt Nam là 1 trong 12 hang động ấn tượng nhất trên thế giới. 

 

Năm 2014, Việt Nam phấn đấu đón 8 triệu lượt khách quốc tế; 37,5 triệu lượt khách nội địa. Đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu là điểm đến của 10,5 triệu lượt khách quốc tế, 47 - 48 triệu lượt khách nội địa với doanh thu du lịch phấn đấu đạt khoảng 18 - 19 tỷ USD Mỹ và đóng góp đến 6,5 đến 7% GDP của cả nước. 

Để đạt được mục tiêu này thì hiện tại ngành văn hóa du lịch đang hoàn thiện Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020. Một trong những giải pháp quan trọng đó là đẩy mạnh xúc tiến du lịch. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch thì số tiền ngân sách chi cho du lịch trong giai đoạn 2000 đến 2012 là 410 tỷ đồng, một con số khiêm tốn so với các quốc gia láng giềng. 

Thủ đô Hà Nội – một trong những điểm đến thu hút du khách vẫn chưa có một tấm biển lớn nào dành riêng để giới thiệu du lịch Việt Nam. Xúc tiến du lịch từ những việc đơn giản nhất là quảng bá hình ảnh nhưng vẫn còn hạn chế ở ngay thị trường trong nước. Cũng dễ hiểu, bởi hiện nay tất cả những kinh phí dành cho hoạt động xúc tiến du lịch một năm chỉ khoảng 34 tỷ đồng, một con số quá khiêm tốn để phát triển thương hiệu du lịch của cả một quốc gia. 

Báo du lịch - cơ quan có trách nhiệm giới thiệu quảng bá hình ảnh chính thống nhất của du lịch Việt Nam đến năm nay mới được hỗ trợ 300 triệu đồng vẫn còn nằm trong kế hoạch. 

Với khoản kinh phí như vậy thì rất khó để có thể quảng bá xúc tiến du lịch khi mà Việt Nam khả năng cạnh tranh với các nước khác trong khu vực, so với Thái Lan, Malaixia dành không dưới 100 triệu USD riêng cho công tác quảng bá du lịch. 

Ngân sách hạn hẹp không phải là lý do duy nhất lý giải tại sao việc xúc tiến du lịch kém hiệu quả, mà cách quản lý, cách làm cũng còn nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Trên thực tế việc tổ chức quảng bá thương hiệu du lịch Việt nam cũng từng gặp phải những sự cố không đáng có. Câu chuyện về điểm đến của một nước khác lại được giới thiệu tại gian hàng Việt nam trong Hội chợ du lịch tại Đức năm 2013 vẫn được nhắc tới. 

Khoan so sánh với các thị trường lớn, chỉ nhìn sang các quốc gia láng giềng là Lào và Campuchia có thể thấy tốc độ tăng trưởng đã vượt xa Việt nam. Mỗi năm đất nước Lào với 6 triệu dân đón 3 triệu du khách quốc tế nghĩa là cứ 2 người dân Lào đón 1 vị khách nước ngoài. Năm 2013, với 90 triệu người đón 7 triệu khách quốc tế; trung bình hơn 10 người Việt Nam mới đón 1 vị khách nước ngoài. 

Tuy nhiên, du lịch Việt Nam thời gian qua cũng đã tạo nên những “ điểm sáng”. 

Theo dự thảo Nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 thì một trong những giải pháp căn bản đó chính là đẩy mạnh đổi mới và đầu tư cho du lịch trong đó có cơ sở hạ tầng. Có thể thấy hình ảnh thay đổi của Huế trong Festival Huế 2014 hay Lâm Đồng và Tây nguyên trong Năm Du lịch quốc gia 2014, từ Ninh Bình và Lào Cai đến Kiên Giang, Khánh Hòa với hàng trăm dự án đầu tư du lịch lớn, tầm cỡ, đẳng cấp. Có thể thấy là rất nhiều tỉnh thành nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của phát triển du lịch trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương đã chủ động đầu tư ngân sách địa phương và khuyến khích mọi nguồn lực để đầu tư cho du lịch. 

“Thức giấc du lịch Sapa” là mục tiêu hướng tới của Lào Cai khi tỉnh này thông qua dự án cáp treo Fanxipang vào tháng 6 năm ngoái. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 4400 tỷ đồng, không những rút ngắn hành trình khám phá Fanxipang chỉ còn 15 phút. Kéo theo đó, dự án còn hình thành hệ thống khách sạn 4,5 sao, khu vui chơi giải trí, du lịch tâm linh, ẩm thực mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống tại Sapa. Dự kiện khi hệ thống cáp treo được đưa vào hoạt động, đến năm 2017, Lào Cai sẽ đón khoảng 2 triệu lượt khách một năm thay vì 960.000 lượt khách như hiện giờ. 

Đầu năm 2014, những công bố tổng mức đầu tư phát triển du lịch mang đến những kỳ vọng không nhỏ. Mới đây nhất Chính phủ đã phê duyệt dự án 55 triệu USD dành cho Điện Biên, Lào Cai, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Kiên Giang để khai thác thế mạnh với các sản phẩm du lịch đặc thù nhằm quảng bá và thu hút khách quốc tế. 

Bắc Giang dành 42 tỷ đồng phê duyệt dự án phát triển du lịch cộng đồng; Khánh Hòa dành 94 ty đồng phát triển bền vững khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, Đà Nẵng 134 tỷ đồng đầu tư cầu tầu và bến du thuyền bờ sông Hàn. Thay đổi tư duy du lịch sẽ sinh lời kéo theo đó là chính sách thông thoáng mời chào các nhà đầu tư với những dự án nghìn tỷ. Sức bật cho du lịch còn đến từ việc đăng cai Năm du lịch quốc gia dạo qua tất cả các tỉnh thành trên tất cả các trung tâm du lịch trên cả nước. 

Hướng tới diện mạo mới cho du lịch của cả 7 khu vực trọng điểm, ông Hà Văn Siêu - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng: để có một diện mạo không sớm lão hóa, song song với việc đầu tư phần cứng tức là đầu tư hạ tầng cho du lịch, các địa phương phải nghiên cứu cả phần mềm, cần đặt ra quy hoạch tổng thể cho phát triển du lịch, nghiên cứu thị trường và chọn lọc các dự án đầu tư ngay từ đầu. Có như thế đầu tư mới là hiệu quả, không lãng phí. 

Cũng theo ông, đầu tư cho cơ sở hạ tầng cần tính đến việc bảo vệ cảnh quan để khai thác tiềm năng được lâu dài. Những mong đợi của cộng đồng địa phương cần được lưu tâm để sự đầu tư cần được bền vững bởi chính người dân khi được hưởng lợi sẽ trở thành nguồn lực tham gia giữ gìn và ngày càng yêu quý tiềm năng đó. 

Thời gian qua, chiến dịch cải thiện môi trường du lịch tại những trung tâm du lịch quan trọng của cả nước được khởi động bằng những mô hình trung tâm hỗ trợ du khách đã mang lại hiệu quả tốt. Ngành du lịch dự kiến tại tất cả các địa phương đạt từ 1 triệu khách một năm trở lên đều sẽ phải xây dựng những trung tâm như vậy, mô hình được xây dựng tại Hà Nội đã cho thấy rất nhiều kết quả tích cực khi nhiều vụ việc bắt chẹt, trộm cắp của du khách đã được trung tâm xử lý ngay trong thời gian du khách còn lưu trú trên địa bàn. Không những thế du khách còn được cung cấp những thông tin thực sự hữu ích tại trung tâm này giúp hạn chế đáng kể những vụ việc mất an ninh, an toàn. 

Tại Hội chợ Du lịch Quốc tế ở thủ đô London của Anh quốc vào cuối năm 2013, Việt Nam được xếp thứ 2 chỉ sau Trung Quốc và trong khu vực Châu Á về tiềm năng phát triển du lịch. Để biến những tiềm năng trở thành sự thực thì ngoài việc xúc tiến du lịch, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng đổi mới sản phẩm du lịch, yếu tố con người chính là cốt lõi. 

Kết qủa tích cực của giai đoạn 1 dự án EU mang tên Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch giai đoạn 2004 - 2010 đã xây dựng được Bộ Tiêu chuẩn Nghề du lịch Việt Nam Vitos. Đây là cơ sở quan trọng để việc đào tạo nhân lực chính quy và không chính quy từng bước trở nên bài bản thay vì cách thức đào tạo thiếu nhất quán, ít cập nhật không phù hợp với một ngành luôn có nhiều thay đổi như ngành du lịch. 

Trong giai đoạn 2 vấn đề chuẩn hóa nguồn nhân lực thông qua việc cung cấp một loạt các chứng chỉ du lịch mới giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng cho nhân viên sẽ được đẩy mạnh để chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành từ nay tới năm 2020. 

Giai đoạn 2 từ 2011- 2015 của Dự án EU đã và đang tập trung nâng cao năng lực của các trường đào tạo cao đằng và đại học du lịch trong việc dạy và học thông qua những chương trình đào tạo đặc biệt thông qua chương trình đào tạo du lịch có trách nhiệm    

Trên thực tế, rất nhiều cơ sở đào tạo du lịch đã có những thay đổi đáng kể, ví dụ như trường Cao đẳng du lịch Hà Nội. Trong vài năm trở lại đây những học liệu, học cụ và cơ sở vật chất kỹ thuật cho các giờ thực hành đã được đầu tư thường xuyên để tạo cho sinh viên một môi trường rèn luyện kỹ năng tay nghề sát với thực tế. Số giờ học được nâng lên không chỉ tạo cho sinh viên hứng thú học tập mà còn giúp các em tự tin hơn với những kỹ năng phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. 

Đổi mới từ tư duy đến cách thức đào tạo nhân lực du lịch chính quy, cập nhật kiến thức liên tục cho cả đội ngũ giáo viên để bắt kịp với xu thế phát triển của du lịch trong nước, khu vực nâng cao chất lượng giờ học ngoại ngữ, đó chỉ là một trong số những giải pháp mà trường Cao đẳng du lịch hướng tới mục tiêu cung cấp đội ngũ tiêu chuẩn cho du lịch Việt Nam. 

Năm 2014 này ngành du lịch Việt Nam dự kiến thu hút khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế và 40 triệu lượt khách nội địa đạt tổng doanh thu 220.000 tỷ đồng tương đương trên 10 tỷ USD Mỹ. Nếu không có những giải pháp quyết liệt và kịp thời trong việc cải thiện môi trường du lịch cả về an ninh, an toàn cho tới vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường theo đúng nghĩa đen thì chắc chắn hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ, thương hiệu du lịch Việt Nam có thể bị lãng quên và nguồn thu quan trọng từ kinh tế du lịch sẽ không thể duy trì.

CINET