Tín hiệu vui từ làng dệt thổ cẩm Zara
Cập nhật: 14/03/2014
Trong khi nhiều làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân Cà Tu đang bị mai một dần, thì làng dệt thổ cẩm Zara ở xã Tà Bhing (Nam Giang, Quảng Nam) được phục hồi như một điểm sáng. Làng thổ cẩm này không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn là điểm đến thu hút khách du lịch.
 

Từ bến Giằng, trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, chúng tôi theo tuyến đường liên xã, chỉ ngược lên phía tây bắc của huyện khoảng 15 km đã chạm chân đến cổng làng nghề dệt thổ cẩm Zara. Con đường dẫn đến thôn Zara bây giờ được đầu tư nâng cấp, đi lại thuận lợi hơn trước nhiều. Nhờ thế mà du khách đến đây ngày càng tăng. Trong câu chuyện với chúng tôi, chủ tịch UBND xã Pơ Long Hon phấn khởi: trong dịp Tết vừa qua, nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan và mua sản phẩm dệt thổ cẩm Zara của người Cà Tu về làm kỷ niệm. Hiện nay, sản phẩm làm ra bán được và du khách ra vào tăng lên, bà con mừng lắm. 

Từ năm 2001 đến nay, nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức Cứu trợ và phát triển quốc tế Nhật Bản (FIDR), nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Cà Tu tại hai xã: Tà Bhing, Cà Dy bắt đầu khôi phục và phát triển. Một hợp tác xã (HTX) của làng dệt thổ cẩm Zara được thành lập đi vào hoạt động ba năm nay, thu hút gần 50 chị em phụ nữ trong làng tham gia. Từ chỗ trước đây, chị em phụ nữ làm nghề dệt tại nhà, nay tập trung may, thêu, dệt tại cơ sở HTX, đây cũng là cơ sở vừa giới thiệu và bán sản phẩm cho du khách đến tham quan. 

Trưởng phòng kinh tế hạ tầng huyện Nam Giang Bùi Công Lượng cho biết: các sản phẩm của làng dệt Zara đều do họa sĩ thiết kế, đặt hàng từ kiểu dáng, màu sắc đến chủng loại. Từ khi có chủ trương của huyện, gắn phát triển nghề dệt thổ cẩm với du lịch, sản phẩm làm ra tăng theo thời gian. Tuy mới khôi phục, nhưng đến nay, các nghệ nhân đã nghiên cứu phục dựng hơn 40 loại sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào Cà Tu. Ðáng chú ý có những mẫu rất đẹp bị mai một đã được các cụ cao tuổi trong làng như Zơ Râm Mê, A Lăng Thum kịp thời phục hồi sản xuất, nhiều sản phẩm thu hút sự chú ý của du khách trong và ngoài nước. 

Năm 2013, HTX Dệt thổ cẩm Zara cung cấp cho thị trường từ 200 đến 300 sản phẩm các loại. Trong lúc sản phẩm làm ra từ các làng nghề trong tỉnh còn ứ đọng trong kho thì gần như sản phẩm thổ cẩm Zara làm ra của bà con ở đây đều được tiêu thụ hết. Ðến nay, sản phẩm dệt may của đồng bào Cà Tu ở thôn Zara được giới thiệu và bày bán tại Ðà Nẵng, Hội An, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ... Doanh thu hằng năm tăng lên rõ rệt, từ 70 triệu đồng (năm 2009) tăng lên gần 110 triệu đồng năm 2013. 

Chủ tịch UBND xã Pơ Long Hon chia sẻ: từ khi nghề dệt thổ cẩm Zara được phục hồi, ngoài việc phát triển sản xuất, chăn nuôi ở gia đình, chị em có thêm thu nhập từ 300.000 đồng/người/tháng. Nhiều chị làm giỏi, thu nhập thêm từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tháng. Nhờ có hướng đi đúng, cho nên những năm gần đây, đời sống người dân làng dệt từng bước được cải thiện, từ chỗ thiếu trước, hụt sau, đến nay, đã có hơn 40 hộ (trong tổng số 75 hộ) thoát nghèo. Và nhờ người dân có việc làm, có thêm thu nhập trong lúc nông nhàn, đời sống từng bước được cải thiện, giúp cho tình trạng phá rừng làm rẫy được hạn chế. Ðiều khó nhất hiện nay là nguồn kinh phí hỗ trợ hằng năm có hạn, người dân còn nghèo và thu nhập từ nghề dệt thổ cẩm vẫn quá thấp cho nên việc đầu tư mua sắm máy móc, nguyên liệu... phục vụ cho sản xuất gặp nhiều khó khăn. Do vậy, để làng nghề tiếp tục phát triển, nhà nước cần nghiên cứu chính sách ưu đãi về nguồn vốn, lãi suất vay một cách hợp lý để đồng bào có điều kiện đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Phạm Thị Như cho rằng: hiện nay, ngoài những sản phẩm truyền thống, làng dệt thổ cẩm ở thôn Zara tạo thêm nhiều sản phẩm mới phục vụ khách du lịch. Trước đây, sản phẩm thổ cẩm thường dùng để biếu, tặng làm trang phục, của hồi môn; trao đổi qua lại giữa đồng bào dân tộc ở địa phương với nhau. Còn bây giờ, sản phẩm thổ cẩm đã vượt ra khỏi thôn bản và có mặt nhiều nơi trong nước. Làng dệt thổ cẩm Zara và sản phẩm làm ra từ đây đã được các công ty lữ hành và du khách trong, ngoài nước biết đến, góp phần giúp đồng bào phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. 

Trong thời gian tới, huyện Nam Giang sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình làng dệt thổ cẩm tại một số xã nhằm lưu giữ nghề dệt truyền thống và tạo thêm thu nhập cho người dân. Huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng: "Một làng nghề, một sản phẩm"; đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết đến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nghệ nhân nghiên cứu phục dựng và sáng tạo ra những sản phẩm có mẫu mã, kiểu dáng đẹp thu hút du khách thập phương.

Nhân Dân