Khởi động tuần văn hóa Du lịch Bắc Hà 2008
Cập nhật: 07/04/2008
Điểm nhấn của Tuần văn hóa Du lịch Bắc Hà là: Lễ hội sông Chảy, cuộc thi đua ngựa truyền thống, lễ hội mận và chảo thắng cố lớn nhất Việt Nam.

Tuần văn hóa Du lịch Bắc Hà năm 2008 là một hoạt động thiết thực, hưởng ứng Chương trình hành động Quốc gia về Du lịch và triển khai chương trình Du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ. Qua đó, tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch Bắc Hà với những bản sắc văn hóa độc đáo từ đời sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc; các di tích, danh thắng nổi tiếng: dinh thự Hoàng A Tưởng, Động tiên Cốc Ly,... cùng những đặc sản rượu Bản Phố, mận tam hoa, thổ cẩm… đến với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Để tổ chức Tuần văn hóa Du lịch Bắc Hà, ngay từ đầu năm 2007, UBND tỉnh Lào Cai đã triển khai đầu tư các công trình hạ tầng gồm: hệ thống điện, hệ thống đường nội thị trấn và đường từ quốc lộ 70 vào Bắc Hà, trùng tu nhà di tích Hoàng A Tưởng, hồ Na Cồ, công viên du lịch, chợ văn hóa Bắc Hà...c ho thị trấn cao nguyên hoa mận trắng.

Ngày 12/03/2008, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức Họp Ban Tổ chức Lễ hội Tuần văn hoá Du lịch Bắc Hà để rà soát lại công tác chuẩn bị. Theo đó, Tuần văn hoá Du lịch Bắc Hà sẽ diễn ra từ 30/5 đến 2/6/2008 tại thị trấn Bắc Hà và các xã phụ cận như: Bảo Nhai, Cốc Ly, Na Hối, Bản Phố, Tả Chải... Các hoạt động trong Tuần văn hoá được tổ chức rất phong phú và đa dạng gồm: Hội chợ thương mại du lịch và ẩm thực, Lễ dâng hương và khai mạc Tuần văn hoá Du lịch Bắc Hà, giải chạy Việt dã, Lễ hội sông Chảy, Lễ hội mận Bắc Hà, giải đua ngựa truyền thống, Hội thi văn nghệ dân gian và trang phục đẹp các dân tộc Bắc Hà, trưng bầy các hiện vật, hình ảnh tiêu biểu của Lào Cai và các dân tộc Bắc Hà tại dinh thự Hoàng A Tưởng... cùng các hoạt động văn hoá tại các điểm du lịch của bản làng. Trong các sự kiện trên: Lễ hội sông Chảy, cuộc thi đua ngựa truyền thống, lễ hội mận và chảo thắng cố lớn nhất Việt Nam được chọn làm các điểm nhấn cho Tuần văn hoá du lịch. 

Nội dung đua ngựa truyền thống được tổ chức với quy mô 50 ngựa đua chia làm 5 tốp chọn ra các ngựa đua xuất sắc thi chung kết trao giải nhất, nhì, ba. Toàn bộ ngựa đua và người điều khiển đều ở địa phương, được tuyển chọn từ các xã, phường của huyện Bắc Hà; các tay đua sẽ mặc trang phục dân tộc tạo mầu sắc riêng cho cuộc đua. Ban Tổ chức dự kiến, bắt đầu từ năm 2008 sẽ thường niên tổ chức hoạt động này vào mỗi dịp diễn ra Tuần văn hoá du lịch Bắc Hà ở những năm tới, tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn riêng của thị trấn cao nguyên hoa mận trắng.

Lễ hội mận Bắc Hà được tổ chức theo hình thức festival đường phố. Quy mô dự kiến 250 người gồm diễn viên Đoàn Nghệ thuật Dân tộc Lào Cai; Trung tâm Văn hóa Thông tin Lào Cai, nghệ nhân dân gian thuộc các đội Văn nghệ xã Tả Chải, xã Na Hối, xã Bản Phố, xã Nậm Đét…Mở màn lễ hội, các nghệ sĩ, diễn viên trong trang phục dân tộc và trang phục cách điệu múa nghi lễ biểu trưng cho cây, hoa, quả mận khổng lồ diễu hành qua lễ đài. Tiếp theo đội múa nghi lễ là đội hình biểu diễn các làn điệu dân ca, cầm đạo cụ là các nhạc cụ truyền thống đặc trưng của các dân tộc Bắc Hà. Đi đầu là đội hình dân tộc Mông rước biểu tượng chiếc khèn khổng lồ, xung quanh là các chàng trai, cô gái múa xoè ô, múa khèn, rước con quay, quả dưa... trên nền nhạc dân ca Mông. Tiếp theo sau là đội hình người Tày rước đàn tính khổng lồ, quả còn, chim én, con thoi... rộn ràng trong nhịp điệu then.

Đội hình văn nghệ người Dao trong trang phục thầy cúng rước chuông khổng lồ, vây xung quanh là các chàng trai, cô gái trong trang phục Dao cầm chũm choẹ, chuông, kèn pí lè, bó quế, thảo quả, mặt nạ nhảy múa trong nền nhạc sôi động. Tiêu biểu cho người Nùng là đội hình rước đèn tròn khổng lồ, đôi đũa thiêng và biểu tượng chim én, theo sau là múa ngựa, múa ngỗn rộn ràng như ngày hội. Đội hình văn nghệ người Phù Lá với các chàng trai, cô gái rước biểu tượng kèn pí lè khổng lồ, theo sau là đội hình rước dâu theo phong tục của người Phù Lá với cảnh té nước, múa hát tưng bừng. Hình ảnh về các dân tộc ở Bắc Hà nối tiếp với người La Chí rước các trống lớn biểu tượng thần rắn, đầu trâu, mặt trăng và mặt trời trong nền nhạc ầm vang.

Kết thúc đoàn diễu rước là 40 thiếu nữ trong trang phục hoa mận trắng như mùa xuân chào đón du khách đến với Bắc Hà yêu thương. Đoàn diễu rước sẽ đi dọc theo đường phố chính của thị trấn Bắc Hà và dâng hương tại đền Bắc Hà, tạo ra không khí lễ hội sôi động cho cả một vùng cao nguyên trắng. Gây được chú ý hơn cả cho giới truyền thông sẽ là chảo thắng cố cỡ lớn đăng ký kỷ lục guiness Việt Nam. Theo Ban Tổ chức cho biết, đây là điểm nhấn trong Hội chợ thương mại du lịch và ẩm thực. Chảo thắng cố sẽ được đúc tại chỗ bằng chất liệu gang và phụ gia đạt tiêu chuẩn chất lượng về môi trường và tính năng sử dụng.

Các nghệ nhân dân gian sẽ thực hiện chảo thắng cố gồm nguyên liệu là 05 con ngựa có chất lượng thực phẩm tốt nhất và các gia vị đặc trưng cổ truyền được chế biến theo phương pháp truyền thống của người Mông phục vụ du khách thập phương. Dự kiến chảo thắng cố lớn nhất này sẽ đồng thời phục vụ được 1000 du khách thưởng thức cùng một lúc. Ban tổ chức dự kiến sẽ lập hồ sơ và mời các cơ quan hữu quan xác nhận kết quả và kí nhận hồ sơ công nhận kỷ lục Guiness Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện việc đúc chảo, chế biến món thắng cố, Ban Tổ chức đồng thời tổ chức các hoạt động phụ trợ mang đậm dấu ấn văn hoá của người Mông để phục vụ du khách. Theo đó, toàn bộ các nghệ nhân tham gia thực hiện chảo thắng cố là người Mông ở Bắc Hà trong trang phục dân tộc, không gian lập kỷ lục cũng được tạo dựng như không gian chợ phiên của đồng bào vùng cao: bàn, ghế, bát ăn, chén đựng rượu được thiết kế đặc biệt theo phong cách của người Mông. Đặc biệt, thưởng thức kèm với món thắng cố, Ban tổ chức dự kiến chỉ bố trí rượu ngô Bản Phố - loại rượu nổi tiếng thơm ngon, đã được đăng ký thương hiệu của Bắc Hà.

Sau thành công của Tuần Văn hoá du lịch Sa Pa, Lào Cai đang dồn sức đầu tư về hạ tầng, tổ chức các sự kiện, quảng bá để du lịch Bắc Hà phát triển “mở cánh cửa đột phá về phía đông để du lịch Lào Cai tiếp tục tăng trưởng bền vững.
Báo Du lịch