Lễ tế Xã Tắc 2013 tôn vinh nghi lễ truyền thống Việt Nam
Cập nhật: 05/04/2013
(TITC) - Tối 2/4/2013 (tức 22/2 năm Quý Tỵ), tại Đàn Xã Tắc (phường Thuận Hòa, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế), Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã long trọng tổ chức Lễ tế Xã Tắc năm 2013. Đây là một trong những lễ hội cung đình truyền thống tiêu biểu, mang đậm tính nhân văn cùng những đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt Nam.
                     (Nguồn ảnh: Vietnam+)

Không gian nghi lễ diễn ra theo đúng các nghi thức truyền thống với nghi trượng, cờ xí, tượng trưng cho sự hội tụ của các thành tố trong vũ trụ như phong, vân, lôi, vũ, long, phụng, nhật, nguyệt, các chòm sao Chu Tước, Huyền Vũ, Thanh Long, Bạch Hổ… và các lễ tiết trang trọng khác trong chốn hoàng cung xưa.

Lễ tế Xã Tắc bao gồm 2 phần chính: phần đầu phục dựng các nghi thức tế tự như: Lễ Quán tẩy (rửa tay tẩy trần), Lễ Thượng hương (dâng hương), Lễ Nghinh trần (rước thần đến dự), Lễ Điện ngọc bạch (dâng ngọc trắng), Lễ Truyền chúc (đọc chúc văn), Lễ Hiến tước (dâng rượu), Lễ Phú tộ (hưởng lộc), Lễ Triệt soạn (hạ cỗ), Lễ Tống thần (đưa tiễn thần) và Lễ Tư chúc bạch soạn (đốt chúc văn, ngọc lụa, bài vị).

Phần tiếp theo được sân khấu hóa, tái hiện Lễ tế Xã Tắc của triều đại nhà Nguyễn xưa nhằm tôn vinh văn hóa truyền thống của Việt Nam thông qua việc giới thiệu không gian diễn xướng của những loại hình nghệ thuật như đại nhạc, nhã nhạc, múa cung đình và trình diễn trang phục truyền thống cung đình Huế xưa.

Sau lễ tế, người dân và du khách tham gia dâng hương cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.

Đàn Xã Tắc nằm ở phía tây Kinh thành Huế, được xây dựng vào năm 1806 sau khi Vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Khi xây dựng, Vua Gia Long đã lệnh cho các thành, dinh, trấn toàn quốc phải đóng góp đất sạch để đắp lên ngôi đàn này, bởi vậy Đàn Xã Tắc mang một ý nghĩa đặc biệt linh thiêng. Đây là nơi nhà vua cúng tế Xã (thần Đất) và Tắc (thần Lúa) để cầu cho nhân dân no ấm, thiên hạ thái bình.

Người xưa quan niệm, Xã là thần lớn nhất trong 5 vị thần, Tắc là loại quí nhất trong ngũ cốc. Tắc mà không có Xã sẽ không sinh trưởng được, Xã mà không có Tắc sẽ hoang vu. Do vậy, hiệp tế Xã-Tắc là công lợi ngang nhau. Vì thế Lễ tế Xã Tắc từ thời Nguyễn luôn được xếp vào hàng Đại tự (chỉ đứng sau lễ tế Nam Giao). Lễ tế Xã Tắc lần đầu tiên được phục dựng và tái hiện thành công tại Festival Huế năm 2008 và từ đó đến nay được tổ chức định kỳ vào tháng 2 âm lịch hàng năm.

Lễ tế Xã Tắc làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa lễ hội của Huế, góp phần tích cực vào việc xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Được biết, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đang tiến hành xây dựng hồ sơ, sớm hoàn tất các thủ tục để đề nghị UNESCO công nhận Lễ tế Xã Tắc là Di sản Văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Phạm Phương