Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế
Cập nhật: 03/01/2013
(TITC) - Nhằm xây dựng hệ thống thống kê lượng khách quốc tế đến Hà Nội, qua đó giúp hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã triển khai đề tài “Nghiên cứu hoàn thiện phương pháp thống kê lượng khách quốc tế đến Hà Nội”.

Một trong những hoạt động của đề tài là điều tra thăm dò 1.420 du khách quốc tế đến Hà Nội. Kết quả cho thấy, 93,64% tổng số khách đều cảm nhận Hà Nội là điểm đến rất hấp dẫn. Số liệu điều tra cũng cho thấy, khách quốc tế đến Hà Nội chủ yếu bằng đường hàng không (chiếm 90,13%) với nhiều mục đích khác nhau, trong đó du lịch, nghỉ dưỡng chiếm 67,24%; công vụ, thương mại chiếm 14,94%; thăm thân 3,72%; các mục đích khác là 3,85%.
 


Các yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của Hà Nội đều được du khách đánh giá cao, đặc biệt là yếu tố về con người, ẩm thực, dịch vụ du lịch, cảnh quan… Người Hà Nội thân thiện, nhiệt tình và mến khách. Ẩm thực Hà Nội cũng nhận được 82,29% số phiếu nhận xét là phong phú, các món ăn ngon và đặc trưng. Dịch vụ du lịch có từ 57% đến 71% du khách đánh giá là hợp lý (giá cả tương ứng với chất lượng); trong đó, riêng dịch vụ thông tin du lịch có 7,1% du khách đánh giá rất tốt; 48,76% đánh giá tốt; 36,04% đánh giá trung bình.

Các yếu tố khác khiến du khách quốc tế quyết định chọn Hà Nội là điểm đến hấp dẫn, gồm có các di sản văn hóa (chiếm 25,13%), cảnh quan thiên nhiên (chiếm 17,14%). Công tác quảng bá dưới nhiều hình thức đã thúc đẩy thu hút khách, trong đó qua mạng internet chiếm 25,61%; sách hướng dẫn chiếm 45,02%; các đơn vị kinh doanh lữ hành chiếm 16,99% và tham khảo lời khuyên từ bạn bè, người thân (chiếm 12,38%).

Bên cạnh những mặt tích cực, Hà Nội vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục nhằm tạo môi trường du lịch văn minh, thuận lợi phục vụ du khách như: tiện nghi tại sân bay quốc tế Nội Bài, nhà vệ sinh công cộng, hệ thống giao thông...

Từ kết quả của hoạt động điều tra thăm dò, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm tạo cảm giác an tâm, an toàn và tin tưởng cho du khách khi đến Hà Nội như: quy hoạch các bãi đỗ xe để dành đường cho người đi bộ; tăng cường bồi dưỡng kiến thức văn hóa du lịch cho đội ngũ lái xe taxi và những người bán hàng rong; xây dựng quy tắc ứng xử văn minh du lịch…

Ngoài ra, để xây dựng Hà Nội thành điểm đến thực sự hấp dẫn mang tính bền vững, xứng đáng là trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư khai thác một số sản phẩm du lịch như du lịch sinh thái Sóc Sơn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng tại vùng núi Ba Vì; Làng văn hóa-du lịch các dân tộc Việt Nam; công viên văn hóa lịch sử Hoàng Thành Thăng Long; khu du lịch văn hóa lễ hội và thắng cảnh Hương Sơn; vành đai sông Hồng, sông Đáy với sản phẩm chính là du lịch sinh thái ven sông; xây dựng thêm các hoạt động vui chơi giải trí về đêm…

Bên cạnh đó, để phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn; bảo vệ môi trường, sinh thái, Hà Nội đã đưa yếu tố “thân thiện với môi trường” vào mục tiêu phát triển du lịch thành phố đến năm 2020.



                                                                                                                           Thanh Hải