Đồng bằng sông Cửu Long tập trung đầu tư cho phát triển du lịch
Cập nhật: 03/01/2013
Thời gian qua, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó loại hình du lịch sinh thái kết hợp với vườn cây ăn trái đang là một thế mạnh được các địa phương ở đây quan tâm khai thác nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước tới tham quan.

Tiền Giang: Chú trọng phát triển du lịch sinh thái

Với lợi thế là địa phương có nhiều vùng cây ăn trái đặc sản, hàng năm, lượng du khách đến với Tiền Giang đều tăng. Trong năm 2011, lượng du khách đến Tiền Giang là trên 1 triệu lượt khách, trong đó có tới một nửa là khách quốc tế. Trong năm 2012, lượng khách quốc tế đến với Tiền Giang cũng tăng cao, cho thấy đây là điểm thu hút hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, phát triển du lịch Tiền Giang hướng tới tạo các bước đột phá và tạo điểm nhấn để thúc đẩy phát triển, trên cơ sở tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch. Đó là việc cần xây dựng Khu du lịch Thới Sơn trở thành trung tâm du lịch, tạo điểm nhấn, mang đặc trưng của sản phẩm du lịch Tiền Giang. Với việc triển khai đầu tư 2 khu du lịch là khu du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và khu đón tiếp du lịch đường bộ để tạo bước đột phá cho du lịch.

Đồng thời liên kết nhiều hộ dân để tạo thành tuyến du lịch sinh thái cộng đồng với nhiều sản phẩm đặc trưng như thưởng thức các loại trái cây đặc sản, đi đò chèo trên kênh rạch, nghe đờn ca tài tử, trải nghiệm ẩm thực dân dã, sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ, tìm hiểu nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân vùng sông nước Nam bộ, các dịch vụ tát mương bắt cá, tham quan cù lao bằng xe thô sơ…Bên cạnh việc xây dựng các khu du lịch có quy mô lớn, với các sản phẩm đặc trưng riêng biệt của Tiền Giang theo quy hoạch thì cần thiết phát triển thêm các điểm du lịch sinh thái nhà vườn, phù hợp với cảnh quan môi trường, phát triển dịch vụ nghỉ đêm ở nhà dân, nghỉ đêm trên nhà dạng bè nổi trên sông quanh cù lao, tái hiện chợ nổi trên sông...


Đối với Khu du lịch Cái Bè, điểm nhấn vẫn là chợ nổi Cái Bè. Đặc trưng với sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn và du lịch cộng đồng, gắn với làng nghề truyền thống, vườn cây ăn trái đặc sản, cùng với khai thác làng cổ Đông Hòa Hiệp mang nét đặc trưng với loại hình dịch vụ nghỉ đêm ở nhà dân trong các ngôi nhà cổ. Phát triển các khu resort Nam bộ chất lượng cao dọc theo dòng sông Tiền theo hướng vừa văn minh, lịch sự, hiện đại nhưng vẫn mang nét đặc trưng của văn hóa sông nước miệt vườn, tạo thành sản phẩm phục vụ khép kín, kéo dài chương trình tour và thời gian lưu trú, tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Khu du lịch biển Gò Công với điểm nhấn là Khu du lịch biển Tân Thành và Khu du lịch cồn Ngang của vùng biển Gò Công đầy tiềm năng. Đầu tư xây dựng các công trình nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, ẩm thực biển và bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên. Đặc biệt, đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái cồn Ngang của huyện Tân Phú Đông tạo ra sản phẩm mang nét đặc trưng riêng của du lịch biển đảo vùng Đồng bằng sông Cửu Long...

Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười với điểm nhấn là Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, có 100 ha rừng tràm ngập nước thuộc huyện Tân Phước, gắn Khu tâm linh Trúc Lâm Thiền Viện, với quy mô 30 ha sẽ mở ra tuyến du lịch sản phẩm mới. Với cánh đồng mênh mông, hệ sinh thái vùng ngập phèn độc đáo, có các loài động, thực vật thích hợp phát triển thành khu tham quan, nghỉ dưỡng phù hợp cảnh quan thiên nhiên. Khu Trúc Lâm Thiền viện khi được hoàn thành sẽ kết hợp vừa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, vừa đáp ứng nhu cầu tham quan của nhân dân và du khách trong, ngoài nước. Đây sẽ là điểm nhấn mang nét đặc trưng riêng, kết hợp giữa chốn tôn nghiêm, thanh tịnh với vùng sinh thái dân dã, thanh bình của vùng rừng ngập nước, tạo bước đột phá mới để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực phía Bắc của tỉnh Tiền Giang.

Để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mang nét đặc trưng riêng, tạo được những bước đột phá phát triển du lịch sinh thái ở Tiền Giang, trong thời gian tới cần thiết có những giải pháp mang tính đồng bộ và khả thi như xây dựng cơ chế và chính sách ưu đãi đầu tư phát triển du lịch, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng, có chính sách ưu đãi về vốn vay, về thuế cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án du lịch, nhất là đối với các dự án phát triển du lịch sinh thái gắn phát triển du lịch cộng đồng ở những khu vực có nhiều tiềm năng, nhưng còn khó khăn về cơ sở hạ tầng và về nguồn nhân lực. Tăng cường huy động nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, cũng như nguồn lực trong nhân dân, đảm bảo đủ nguồn vốn cho đầu tư du lịch. Tăng cường hỗ trợ tài chính và xã hội hóa hoạt động xúc tiến, quảng bá nhằm xây dựng sản phẩm và hình ảnh đặc trưng du lịch Tiền Giang.

Kiên Giang: Xã hội hóa du lịch

Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, Kiên Giang đã tạo điều kiện cho người dân và các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch, dịch vụ du lịch, bằng những chính sách ưu đãi, tạo môi trường thông thoáng nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội. Tỉnh đẩy mạnh công tác tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, xây dựng các cụm, tuyến du lịch, phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch…; quan tâm kêu gọi cộng đồng dân cư địa phương tham gia quy hoạch phát triển du lịch.

Ngành du lịch còn thường xuyên mở các lớp nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho lao động; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên tại các khu, điểm du lịch. Thông qua hoạt động du lịch, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của người dân địa phương đến được với du khách quốc tế, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Trong quá trình phát triển các khu, điểm du lịch, tỉnh đã quan tâm đến sự phân chia lợi ích một cách hợp lý, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Việc phát triển dịch vụ du lịch phải luôn gắn liền với lợi ích của dân cư địa phương bằng cách để họ trực tiếp tham gia vào các dịch vụ, như cho thuê phương tiện vận chuyển thủy - bộ, bán đồ lưu niệm, chụp ảnh, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và các dịch vụ phụ trợ khác…Bên cạnh đó, ngành du lịch Kiên Giang cũng đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, đồng thời tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa ứng xử, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch, bảo đảm xanh, sạch, đẹp, văn minh để thu hút ngày càng đông khách du lịch đến tham quan.

Trong năm 2012, tỉnh Kiên Giang đã thu hút khoảng trên 5 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, phát triển khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, các điểm vui chơi, giải trí, giá trị doanh thu ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, tạo điều kiện làm việc ổn định cho trên 3.000 lao động phục vụ trong ngành du lịch. Ngoài chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, thành lập quỹ hỗ trợ phát triển, hỗ trợ và khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch, nhất là các loại hình du lịch biển, đảo.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững thì công tác xã hội hóa du lịch nhằm huy động các nguồn lực cho phát triển là điều cần thiết. Ngoài ra, xã hội hóa sẽ giúp cho người dân làm quen dần với tính chuyên nghiệp khi làm du lịch, đồng thời quan tâm đến việc giữ gìn, bảo vệ các di sản văn hóa, di sản thiên nhiên, đưa du lịch Kiên Giang phát triển ổn định và bền vững, xứng đáng là một trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Bạc Liêu: Đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Phát triển văn hóa, gắn các sự kiện văn hóa, thể thao với phát triển du lịch; đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đây là hướng đi của Bạc Liêu hướng tới lâu dài. Thực hiện định hướng này, ngành Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư, phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch tâm linh…, mang đậm dấu ấn về truyền thống lịch sử. Bên cạnh ý nghĩa duy trì, phát triển nét văn hóa đặc trưng, truyền thống của đất và người Bạc Liêu thì hoạt động du lịch còn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa. Năm qua, tổng doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 600 tỷ đồng đạt 100 % kế hoạch (Chương trình hành động du lịch năm 2012) và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2011, đón tiếp được khoảng 630.000 lượt khách đạt 100% kế hoạch (Chương trình hành động du lịch năm 2012) tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 180.000 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú, có khoảng 20.000 lượt khách quốc tế. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nỗ lực phối hợp với các Sở, ban ngành và các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư cho phát triển du lịch, khai thác đúng tiềm năng, thế mạnh du lịch; phối hợp xây dựng các chương trình quảng bá về du lịch Bạc Liêu; sử dụng có hiệu quả trang thông tin điện tử của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch bằng hai ngôn ngữ Việt – Anh, với nội dung phong phú giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, còn tham gia hội chợ triển lãm tại “Ngày hội Du lịch thành phố Hồ Chí Minh”; tham gia các hoạt động kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ; chỉnh sửa panô du lịch tại Cầu Nàng Rền, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, xây dựng panô du lịch mới trên tuyến Quảng lộ Phụng Hiệp tiếp giáp với tỉnh Sóc Trăng; làm việc với Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long công nhận 02 điểm du lịch của Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long; tổ chức thành công buổi họp mặt trao đổi, hoàn thiện sản phẩm du lịch “Đồng bằng sông Cửu Long - Một điểm đến Năm địa phương”; kiểm tra các khu, điểm du lịch… nhằm tiếp tục thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển du lịch Bạc Liêu.

Trong thời gian tới, du lịch Bạc Liêu sẽ triển khai sâu rộng và thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Tỉnh ủy, Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh phát triển du lịch, Chương trình hành động du lịch giai đoạn 2012 - 2015 và kế hoạch thực hiện chương trình hành động du lịch năm 2013; đẩy mạnh khai thác các giá trị, bản sắc văn hóa đặc trưng của Bạc Liêu để phục vụ du lịch; tận dụng tối đa lợi thế sông nước, rừng, biển, vườn cây ăn trái, cảnh quan đẹp…để phát triển du lịch sinh thái, du lịch vườn; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh hệ thống nhà hàng, khách sạn đủ sức đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục củng cố lại các tour, tuyến du lịch trong tỉnh cho phù hợp để nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút du khách; xây dựng hoàn chỉnh các sản phẩm du lịch đặc trưng của Bạc Liêu để được Hiệp hội du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận mới thêm hai điểm du lịch nữa của Bạc Liêu là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Cà Mau: Đầu tư các cụm đảo để phát triển du lịch

Năm 2012, tỉnh Cà Mau dành gần 30 tỷ đồng để đầu tư, phát triển các cụm đảo, khai thác tiềm năng, lợi thế du lịch, chủ yếu là du lịch sinh thái. Theo đó, Cà Mau dành khoảng 11 tỷ đồng mở rộng các hạng mục công trình Hòn Đá Bạc; dành khoảng 17 tỷ đồng quy hoạch, khảo sát, thiết kế, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cho Hòn Khoai, trong đó tập trung cho hạ tầng giao thông.

Ngoài Đất Mũi, Khai Long, tỉnh Cà Mau sẽ có thêm hai địa chỉ du lịch sinh thái hấp dẫn, đó là Hòn Đá Bạc và Hòn Khoai. Gọi tắt là du lịch cụm đảo. Hòn Đá Bạc có diện tích 6 ha, nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau 40 km, thuộc địa bàn của huyện Trần Văn Thời. Tại đây đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều hạng mục công trình, bao gồm khách sạn, khu di tích lịch sử chuyên án CM 12, khu đền thờ cá Ông, cầu dẫn từ đất liền ra đảo có chiều dài hơn 2 km...Hiện nay tại khu vực này, mỗi ngày thu hút hàng trăm du khách tới tham quan. Với lợi thế du lịch rất lớn, nên mức đầu tư như hiện nay đối với Hòn Đá Bạc còn khiêm tốn.

Còn tại đảo Hòn Khoai, hòn đảo này nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau 80 km, trên địa bàn huyện Ngọc Hiển. Đảo Hòn Khoai có diện tích 14 ha, hiện còn hoang sơ, nguyên vẹn, có khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Du khách muốn tới Hòn Khoai phải vượt biển 25 km. Hiện nay chính quyền địa phương quy hoạch phát triển nơi đây thành khu du lịch, theo đó đầu tư xây cầu dự kiến kinh phí lên tới trên 300 tỷ đồng. Đến năm 2015, thời điểm cầu qua Sông Cửa Lớn hoàn thành sẽ có đường cho ôtô đi tới Hòn Khoai, là một cơ hội để thu hút khách trong nước và nước ngoài. Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng, đầu tư xây dựng cụm đảo thành khu du lịch sinh thái đòi hỏi nguồn chi phí lên tới trên 2.000 tỷ đồng giai đoạn 2010-2015. Vì vậy, chính quyền địa phương đã quyết định xã hội hoá, kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương kết hợp với vốn ngân sách đầu tư phát triển du lịch cụm đảo.

ĐCSVN