Tạo lập thương hiệu du lịch Kiên Giang
Cập nhật: 14/12/2012
Kiên Giang được ví như một Việt Nam thu nhỏ với đa dạng sinh thái và địa hình núi, rừng, sông, suối, biển, đảo. Ông Đặng Công Huẩn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã cho biết về tiềm năng phát triển du lịch và cơ hội đầu tư ở địa phương.

Về tiềm năng du lịch

Những tiềm năng và lợi thế du lịch của Kiên Giang được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất ở những địa danh đã được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như Hà Tiên, Kiên Lương, Rạch Giá, Hòn Đất, Kiên Hải, U Minh Thượng… Đặc biệt, Kiên Giang còn có Khu dự trữ sinh quyển thế giới với diện tích trên 1,1 triệu héc-ta, là điều kiện tốt để phát triển du lịch sinh thái kết hợp nghiên cứu khoa học.

Riêng đảo Phú Quốc đã được quy hoạch phát triển trở thành khu kinh tế biển - trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tầm cỡ quốc gia, khu vực và quốc tế. Với cảnh quan thiên nhiên và điều kiện địa lý tuyệt vời cùng những nỗ lực về đổi mới cơ chế, chính sách, tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch…, đảo Phú Quốc đang trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư trong và nước ngoài...

Với những tiềm năng, thế mạnh nói trên, thời gian qua, ngành du lịch Kiên Giang cơ bản đã trở thành ngành kinh tế quan trọng và đang phấn đấu cho mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới.

Các dự án đầu tư

Hạ tầng giao thông đến các khu du lịch trong tỉnh và trên đảo Phú Quốc đang trong giai đoạn hoàn thành cơ bản, với tổng vốn đầu tư tính từ năm 1998 đến nay ước khoảng 19.000 tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng phục vụ ngành du lịch phát triển nhanh, từ 38 cơ sở với 605 phòng năm 1998 nay tăng lên 256 cơ sở với 4.929 phòng, trong đó có nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Có thể nói, hiện nay, Phú Quốc như một đại công trường với các dự án đang gấp rút thi công. Đặc biệt, Sân bay quốc tế Phú Quốc vừa được đưa vào hoạt động sẽ tạo thêm thuận lợi để Phú Quốc phát triển giao thương và khai thác lữ hành quốc tế…

Sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa với các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch khám phá rừng, biển, hang động… gắn với đặc điểm tài nguyên du lịch phong phú của tỉnh Kiên Giang.

Những kết quả kể trên đã tạo nên diện mạo mới cho du lịch tỉnh nhà. Lượt khách đến tham quan du lịch và doanh thu du lịch liên tục tăng qua các năm. Cùng với tăng thu nhập xã hội và ngân sách, du lịch đã giải quyết việc làm cho 5.978 lao động trong ngành du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành dịch vụ, đồng thời, tạo lập được thương hiệu du lịch Kiên Giang, trong đó có Phú Quốc đối với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Nhiệm vụ trong thời gian tới

Với mục tiêu chung là phấn đấu đến năm 2015 du lịch Kiên Giang trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, là một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối sâu rộng với khu vực ASEAN, Kiên Giang tiếp tục chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

Cụ thể, tỉnh xây dựng chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch như xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, các khu, điểm du lịch; đầu tư phát triển đồng bộ, có chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các dịch vụ vui chơi giải trí phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước...

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức như tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến du lịch Kiên Giang qua các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm... trong và ngoài nước; thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh liên kết phát triển du lịch với các doanh nghiệp trong nước, khu vực và trên toàn thế giới.

Báo Đầu tư