Nét văn hóa chợ Viềng - Phủ Dầy
Cập nhật: 08/02/2007
Cho đến nay, vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng vì sao trên đất Nam Ðịnh lại có nhiều chợ Viềng đến thế, chợ Viềng có từ bao giờ, và vì sao lại gọi là chợ Viềng?

Ở Nam Ðịnh có tới bốn chợ Viềng. Dù ở những miền quê khác nhau, nhưng nhìn chung đều họp vào những ngày đầu năm và thường gắn với một đền, chùa nhất định. Chợ Viềng Nam Trực bên cạnh chùa Bi thờ Từ Ðạo Hạnh. Chợ Viềng Liễu Ðề, Nghĩa Hưng họp ở khu vực đền thờ Triệu Quang Phục. Chợ Viềng Mỹ Lộc, cách Ðền Trần không xa. Còn chợ Viềng Vụ Bản, gắn với quần thể Phủ Dầy. Từ xa xưa, chợ Viềng Vụ Bản thường họp trước đền Ông Khổng và trên đường vào phủ Chính, vì thế còn có tên là chợ Viềng Phủ hay còn gọi là chợ Phủ Dầy. Có người lý giải rằng Nam Ðịnh trước đây là một trong những cái nôi của nền văn minh lúa nước. Ðời sống vật chất và tinh thần ở đây sớm phát triển. Sự phát triển ấy đã thúc đẩy nhu cầu giao lưu văn hóa và tình cảm. Cùng với lễ hội và đền chùa, chợ, hội chợ cũng là những phương tiện giao lưu hữu hiệu. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân để giải thích vì sao trên đất Nam Ðịnh, chợ Viềng có ở nhiều nơi. Hãy đọc bài ca dao nói về thú chơi chợ ngày xưa ở vùng tây-nam thành phố Nam Ðịnh vào dịp Tết đến xuân về:

Mồng một ăn Tết ở nhà
Mồng hai chơi điếm, mồng ba chơi đình
Mồng bốn chơi chợ Quả Linh
Mồng năm chợ Trình, mồng sáu chợ Gôi
Nghỉ ngày mồng bảy mà thôi
Ðến ngày mồng tám đi chơi chợ Viềng
Chợ Viềng năm có một phiên
Cái nón em đội, cũng tiền anh mua.


Người ta không xác định được thời điểm ra đời của bài ca dao, chỉ biết rằng nó được lưu truyền từ nhiều đời. Và như vậy chợ Viềng cũng đã có từ lâu. Bài ca dao không nói rõ chợ Viềng ở miền quê nào, nhưng những địa danh mà bài ca dao nói tới như chợ Quả Linh, chợ Trình, chợ Gôi thì ai cũng có thể nhận biết được đây là chợ Viềng Phủ - Chợ Phủ Dầy. Bởi lẽ những chợ trên đều nằm trên đất Thiên Bản cũ, mà nay gọi là Vụ Bản, đều nằm trên trục đường 10 nối Nam Ðịnh - Ninh Bình.

Chợ Viềng - Phủ Dầy họp mỗi năm một phiên, vào mồng 8 tháng Giêng. Có thể xem đây là chợ đông vui bậc nhất trong các chợ Viềng, và từ lâu đã được đồng bào cả nước biết đến. Người đi chợ, dù vào phủ dâng hương, vào lăng viếng Mẫu Liễu Hạnh, hay mua sắm gì đó cũng là để cầu may, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài, cầu "mưa thuận gió hòa", cầu cho sự sinh sôi, nảy nở, cho sự thịnh vượng của một năm mới bắt đầu.

Hàng hóa ở chợ Viềng - Phủ Dầy phong phú, đa dạng. Song chủ yếu là cây, con giống, nông cụ, công cụ gia đình, đồ thờ cúng, nếu có đồ cổ thì cũng chủ yếu mang tính chất tín ngưỡng. Có thể xem đây là hội chợ trưng bày sản vật đặc trưng của nhiều miền quê. Ðồ tre của Tử Vinh, Thanh Hóa; đồ sắt của Bảo Ngũ, Tống Xá, đồ gỗ của Lê Xá, La Xuyên; cây, con giống của Nam Ðiền, Nam Trực... Giá của những đồ vật, sản vật đều phải chăng. Người bán không nói thách, người mua không vật nài.

Ở chợ Viềng - Phủ Dầy có hai đặc sản thu hút được sự quan tâm nhiều hơn của du khách thập phương. Ðó là thịt bê thui và mía Ðường Trèo, Thanh Hóa. Mía Ðường Trèo ngày nay không còn nữa, thay vào đó là mía ruột vàng, vỏ mầu cánh gián, cũng từ Thanh Hóa, Ninh Bình đưa ra. Ði chợ dù "ngựa xe chen chặt người qua lại", dù "dập dìu tài tử giai nhân", thì phần đông ai cũng đều có trong tay cây mía. Người ta mua mía để cầu may, giải khát và cũng rất tiện lợi thay cây gậy chống khi lên chùa Linh Sơn dâng hương niệm Phật, để ngắm cảnh trời, mây, sông, núi thiêng liêng, thơ mộng.

Những năm qua, được sự quan tâm của Ðảng và chính quyền các cấp, chợ Viềng - Phủ Dầy được mở rộng và ngày một đông vui. Chợ họp kéo dài trên nhiều địa điểm: Từ sân vận động Trường THPT Hoàng Văn Thụ đến phủ Vân, phủ Chính, dọc đường 56, từ đền Ông Khổng đến thị trấn Gôi. Dù qua năm tháng, chợ có những tên gọi khác nhau: Chợ Viềng, chợ Viềng Phủ, chợ Viềng Xuân, chợ Xuân, nhưng ai cũng hiểu đó là chợ Viềng - Phủ Dầy trên đất Vụ Bản.
Nhandan