Những chữ “S” trong xây dựng thương hiệu du lịch biển ở Bình Thuận
Cập nhật: 28/06/2011
Bắt nguồn từ những chữ “S” trong tiếng Anh, ngành “công nghiệp không khói” tỉnh Bình Thuận hiện đang hướng đến khai thác hiệu quả để xây dựng nên thương hiệu du lịch biển đặc trưng. Như một xu hướng tất yếu, các yếu tố làm nên khu du lịch đẳng cấp ven biển cũng đều thể hiện qua những chữ “S” này. Đó là: Sea - biển xanh, Sand - bãi biển cát trắng, Sunshine - ánh nắng vàng, Sky - bầu trời trong lành, Service - dịch vụ tốt, Space - không gian nghỉ dưỡng thân thiện môi trường…

Lợi thế mà thiên nhiên ban tặng cho ngành du lịch tỉnh Bình Thuận là rất rõ ràng: Gần 200km bờ biển hoang dã với bãi cát dài trắng mịn, trời xanh lộng gió và luôn ngập nắng… Chính ưu điểm này đã tạo thuận lợi cho địa phương thu hút dự án, phát triển hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Và cũng nhờ đó, phần lớn nhà đầu tư đều quyết tâm “đổ vốn” để sớm hoàn thành dự án, đi vào hoạt động đón khách bằng những dịch vụ, sản phẩm tốt nhất có thể.

Theo ông Ngô Minh Chính - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Thuận cho biết: Du lịch biển Bình Thuận đang rút kinh nghiệm trong đầu tư, xây dựng.

Những dự án du lịch biển sau này được cấp phép phải mang một tầm vóc khác là quy mô, bài bản và chuyên nghiệp hơn. Đồng thời với những dự án du lịch biển, cơ quan cấp phép xây dựng cần nghiên cứu kỹ ảnh hưởng, tác động đến môi trường cũng như cảnh quan công trình đó với biển… Để khai thác hiệu quả những chữ “S”, du lịch Bình Thuận cũng cần sớm hình thành những sản phẩm độc đáo, có lợi thế cạnh tranh. Ngoài các môn thể thao dưới nước (lướt ván diều, lướt ván dù), địa phương có khả năng kêu gọi dự án phục vụ giải trí trên đồi cát (đua xe địa hình, vượt sa mạc…). Hoặc cũng có thể tạo điểm nhấn cho không gian du lịch biển Bình Thuận bằng các môn thể thao giải trí trên không như khinh khí cầu, dù lượn, tàu lượn không động cơ…

Theo PGS - TS. Phạm Trung Lương - Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, định hướng phát triển du lịch biển đến năm 2020 là phải trở thành ngành động lực của kinh tế biển Việt Nam. Cụ thể đến năm 2020, du lịch biển Việt Nam phải đứng vào nhóm nước có du lịch biển phát triển nhất trong khu vực. Theo đó, ngành hướng đến hình thành được ít nhất 5 điểm đến tầm cỡ quốc tế có sức cạnh tranh cao là: Hạ Long - Cát Bà, Lăng Cô - Sơn Trà - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né, Phú Quốc… Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, cho thấy đây là nền tảng giúp du lịch biển Bình Thuận đưa ra những giải pháp phù hợp để xây dựng thương hiệu đặc trưng. Một “Mũi Né - Bình Thuận - Việt Nam” cũng dần rõ nét trong những tháng đầu năm 2011 khi gắn với các sự kiện tầm cỡ như Festival Thuyền buồm quốc tế, Giải lướt ván buồn thế giới…
Báo Bình Thuận