Quảng Ngãi tìm giải pháp phát triển ngành du lịch
Cập nhật: 04/10/2023
Để du lịch tỉnh Quảng Ngãi không lỡ nhịp trong việc phát triển và nâng tầm trong thời gian tới so với các tỉnh, thành phố lân cận, ngành du lịch tỉnh đẩy mạnh thực hiện khai thác tiềm năng, lợi thế cũng như đề ra các giải pháp nhằm xây dựng ngành “công nghiệp không khói” này thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.    

Trầm tích núi lửa xếp chồng lên nhau uốn lượn quanh bờ tạo nên nhiều hình thù kỳ thú ở Gành Yến. Ảnh: Đoàn Vương Quốc

Quảng Ngãi là vùng đất giao thoa của 3 nền văn hóa lớn Sa Huỳnh, Chăm-pa, Đại Việt, quê hương của các đội hùng binh Hoàng Sa, kiêm quản Bắc Hải. Với đường bờ biển trải dài hơn 130 km mang trong mình nhiều bãi tắm thơ mộng, các tuyệt tác thiên nhiên độc đáo, tài nguyên du lịch sinh thái, biển, đảo đa dạng, mang đậm chất văn hóa, địa mạo…; những điểm đến đảo Lý Sơn, bãi biển Mỹ Khê, Sa Huỳnh, Gành Yến, núi Thiên Ấn, thác Trắng, suối Chí, bàu Cá Cái.. là những điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Việt Nam. 

Nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng về du lịch, thế nhưng du lịch Quảng Ngãi trong thời gian qua vẫn chưa có “bứt phá” để thu hút khách. Đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL tỉnh cho biết, cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh du lịch xúc tiến, quảng bá du lịch tại các hội chợ, triển lãm du lịch, thị trường du lịch trọng điểm trong và ngoài nước; xây dựng hệ thống thông tin du dịch để các doanh nghiệp du lịch đăng ký chào bán các sản phẩm du lịch; có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xây dựng nhà vệ sinh đạt chuẩn, bãi đỗ xe chung tại khu, điểm du lịch…

Hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn 

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh cũng đã có một số loại hình, hoạt động kinh tế ban đêm như dịch vụ karaoke tại đường Trần Quang Diệu, chợ đêm sông Trà, quảng trường Phạm Văn Đồng, chợ đêm Lý Sơn… Tuy nhiên, các hoạt động này còn thiếu tính đa dạng, mới chỉ khai thác ở quy mô nhỏ, hoạt động mang tính tự phát riêng lẻ, chất lượng dịch vụ thấp, chưa tạo đủ dấu ấn khác biệt so với các hoạt động kinh tế trong các khung giờ truyền thống, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách đến tham quan du lịch tại tỉnh. 

Điểm dịch vụ trải nghiệm văn hóa Thành Cổ Quảng Ngãi

Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại tỉnh là hết sức cần thiết, vừa tạo dịch vụ bổ trợ phục vụ du lịch vừa tăng hiệu quả kinh doanh của các tổ chức, cá nhân và nguồn thu cho ngân sách tỉnh. Căn cứ vào tình hình, dự báo nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025, Sở VHTTDL tỉnh đề nghị triển khai các điểm kinh doanh dịch vụ đêm tại TP Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn, huyện Lý Sơn, cụ thể như tại địa bàn TP Quảng Ngãi, tăng cường các hoạt động dịch vụ ăn uống về đêm. Phát triển công viên Ba Tơ và khu vực xung quanh trở thành điểm vui chơi, check-in cộng cộng mở cửa qua đêm với nhiều điểm tiểu cảnh đẹp lắp đặt ra phía sông Trà... Kêu gọi đầu tư tổ chức hoạt động du thuyền, nhà hàng nổi phục vụ người dân và du khách tham quan khi Dự án đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc hoàn thành đưa vào sử dụng.Tại khu dịch vụ trải nghiệm văn hóa Thành Cổ Quảng Ngãi, khuyến khích doanh nghiệp tổ chức các chương trình nghệ thuật, giao lưu văn hóa các dân tộc, chợ phiên miền núi, ẩm thực, trò chơi dân gian, tham quan các giá trị văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa…

Đối với huyện Lý Sơn, tổ chức chợ đêm hải sản, ẩm thực Lý Sơn kết hợp với chương trình sân khấu hóa tái hiện các lễ thức truyền thống, dân ca, dân vũ. Đưa vào vận hành, khai thác sản phẩm du lịch đêm trong các hoạt động trải nghiệm du lịch cộng đồng dựa trên thế mạnh của địa phương như: câu mực, câu cá, lặn đêm… 

Hoạt động văn hóa hô bài chòi phục vụ người dân và du khách ở xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn

Tại địa bàn huyện Bình Sơn, tiếp tục khai thác hiệu quả và nâng cao chất lượng dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí tại khu vực bờ kè sông Trà Bồng. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa như hô bài chòi, hát bả trạo… để phục vụ nhu cầu của người dân và thu hút được lượng khách du lịch công vụ tại các nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất. 

Trong thời gian tới, Sở VHTTDL tỉnh sẽ tập trung rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, Quyết định số 304/QĐ-UBND ngày 10/3/2022 của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi; phối hợp với các Sở, địa phương liên quan kết nối phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Đồng thời, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố cần xây dựng kế hoạch, mô hình phát triển du lịch mới mang tính đặc thù, đặc trưng để khai thác có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhất là việc phát huy các giá trị di tích, văn hóa lịch sử, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Như Đồng

Báo Văn hóa - vanhoa.vn - Đăng ngày 03/10/2023