Số hóa di sản văn hóa cần một nhạc trưởng!
Cập nhật: 10/10/2022
Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) vừa có công văn đăng ký nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số năm 2023 với sáu nhóm nhiệm vụ cụ thể.

Hiện vật được giới thiệu online tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Trong đó, các nhóm nhiệm vụ được giới chuyên môn đón đợi nhất là: xây dựng thể chế phục vụ chuyển đổi số; phát triển dữ liệu (rà soát, thu thập, bổ sung để hoàn thiện hồ sơ tư liệu về các di tích, hiện vật, di sản tư liệu và di sản văn hóa phi vật thể đã được xếp hạng, ghi danh và công nhận, xây dựng danh sách ưu tiên các hạng mục cần số hóa; xây dựng, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu, trao đổi tài nguyên thông tin di sản văn hóa số trong nước...). Đây là một tín hiệu đáng mừng cho quá trình thực hiện chương trình số hóa di sản văn hóa tới năm 2030.

Cuối năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 2026/QĐ-TTg). Chương trình đặt mục tiêu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên nền tảng công nghệ số thống nhất, phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Mục tiêu cụ thể là: 100% các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, 100% các di tích quốc gia đặc biệt, 100% các bảo vật quốc gia, các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được số hóa và ứng dụng trên các nền tảng số...

Chính phủ cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để tổ chức thực hiện, chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả của Chương trình.

Việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa đang là một thách thức. Chính vì thế, số hóa di sản là một giải pháp cách mạng trong ngành văn hóa.

Việt Nam hiện có hơn 40.000 di tích các loại được kiểm kê. UNESCO đã ghi danh 8 di sản văn hóa và thiên nhiên, 13 di sản văn hóa phi vật thể-những tài sản không chỉ của Việt Nam mà còn là của nhân loại. Bên cạnh đó là gần 200 bảo tàng, lưu giữ gần 4 triệu hiện vật, trong đó có hơn 200 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, và đặc biệt là sự đa dạng, phong phú của khoảng 8.000 lễ hội. Việc giữ gìn, khôi phục các giá trị văn hóa đang là một thách thức. Chính vì thế, số hóa di sản là một giải pháp cách mạng trong ngành văn hóa.

Số hóa di sản là phải phân tích lý lịch, ý nghĩa, giá trị, xây dựng câu chuyện mang tính lịch sử liên quan gắn liền với câu chuyện thời đại, khiến người xem cảm nhận được chiều sâu. Tại Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã triển khai app (ứng dụng) hướng dẫn tham quan “Di tích Huế”, ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR3D, quét mã QR để xem thông tin hiện vật, xem hiện vật bằng tương tác 3D và xoay 360 độ... để việc số hóa di sản không chỉ để lưu trữ mà còn lan tỏa trong du khách.

Tại Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đang triển khai một dự án xây dựng cơ sở dữ liệu số của di tích quốc gia đặc biệt này, bao gồm cả hai hạng mục là di sản vật thể và di sản phi vật thể, nhằm hình thành được kho lưu trữ điện tử cơ sở dữ liệu khoa học đầy đủ nhất về di tích, giúp khai thác nội dung dữ liệu được dễ dàng, nhanh chóng, phục vụ có hiệu quả công tác bảo tồn.

Để việc số hóa di sản thật sự có ý nghĩa, ngoài việc lưu giữ để bảo tồn thì vấn dề song hành là phải phát huy giá trị di sản. Đó là xây dựng hệ thống tương tác trên thiết bị thông minh, ứng dụng QR Code, nhận dạng ảnh, nhận dạng 3D, trải nghiệm đa phương tiện... phục vụ khách tham quan trải nghiệm, khám phá về di tích một cách tiện lợi, thoải mái nhất ngay trên điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, thực hiện công tác số hóa di sản văn hóa, nhất định phải triển khai trên nền tảng công nghệ thống nhất, tránh rơi vào tình trạng mạnh ai nấy làm, khi kết nối sẽ không liên thông được bởi không tương thích. Việc xây dựng kho dữ liệu số dùng chung cần được thực hiện bài bản, thống nhất, khoa học. Các đơn vị đã số hóa dữ liệu, có cơ sở dữ liệu riêng cần sớm thực hiện việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các bên liên quan.

Theo giới chuyên môn về di sản văn hóa, khó khăn trong quá trình số hóa di sản nhiều khi lại không nằm ở khía cạnh chuyên môn. Nhiều địa phương tâm huyết muốn làm, nhưng hoàn toàn không có hướng dẫn cụ thể về kinh phí, ngân sách. Đó là nguyên do đến nay nhiều địa phương vẫn ngần ngại chưa muốn triển khai. Hiện tại, câu hỏi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ứng dụng công nghệ và nền tảng kỹ thuật gì vẫn chưa được giải đáp.

Thực tế đang đòi hỏi một kế hoạch chung, có sự phối hợp đồng bộ từ trên xuống dưới. Nếu không, Bộ sẽ làm một kiểu, địa phương triển khai một cách, sau này không kết nối được thành cơ sở dữ liệu quốc gia thì sẽ lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc. Bởi vậy, quá trình số hóa di sản văn hóa đang chờ và cần một “nhạc trưởng”!

Quang Đông

 

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Ngày đăng 09/10/2022