Bắc Giang phục dựng, bảo tồn hơn 2.230 di sản văn hóa
Cập nhật: 13/02/2014
Tỉnh đặc biệt chú trọng việc tôn tạo, phục dựng lại phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn.
 
Mộc bản kinh phật chùa Vĩnh Nghiêm

Thực hiện Nghị quyết trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tỉnh Bắc Giang đang triển khai đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó, tỉnh đặc biệt chú trọng việc tôn tạo và phục dựng lại những phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. 

Tỉnh Bắc Giang hiện có 26 dân tộc cùng sinh sống và trên 2.230 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh và hơn 500 lễ hội trong năm. 

Huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang là một trong những địa phương có nhiều lễ hội văn hóa, công trình kiến trúc phi vật thể và các phong tục tập quán được lưu truyền từ nhiều đời nay. Tiêu biểu như làng cười, tục gọi gạo đêm giao thừa (xã Phúc Hòa), câu lạc bộ hát ví, hát ống (xã Liên Chung) hay chợ Âm Dương Cao Thượng (xã Cao Thượng). 

Để giữ gìn những giá trị văn hóa đó, huyện Tân Yên và tỉnh Bắc Giang đang tiến hành bảo tồn, tôn tạo và phục dựng lại di sản văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc, đặc biệt là phong tục đón xuân của đồng bào Dao, Sán Dìu, Sán Chí, đồng bào Cao Lan. 

Ông Nguyễn Thành Trung, chuyên viên phòng văn hóa huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang nói: “Trong năm 2013, phòng văn hóa đã sưu tầm tư liệu về văn hóa phi vật thể, hiện nay đang trong quá trình xử lý và biên tập lại. Trong năm 2014, chúng tôi sẽ in thành sách và phát huy những việc đã đạt được những năm trước như khôi phục hát ví hát ống, làng chèo làng Hạ, dự định khôi phục lại làng cười trong Phúc Hòa”. 

Bên cạnh việc bảo tồn, phục dựng, tỉnh Bắc Giang cũng rất chú trọng tuyên truyền để chính mỗi người dân địa phương trở thành lực lượng nòng cốt tham gia vào đề án này. Ông Nguyễn Thế Chính, giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết: “Bắc Giang là 1 tỉnh giàu truyền thống văn hóa. 26 dân tộc đều có nét độc đáo, đặc sắc riêng. Chính vì vậy, chúng tôi đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy những giá trị di sản vật thể và phi vật thể này là công việc lâu dài và có tính định hướng chiến lược”. 

Với việc triển khai đề án bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của các dân tộc đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, du khách khi đến Bắc Giang sẽ được khám phá những phong tục đón Tết, giá trị văn hóa độc đáo của người dân các dân tộc trên địa bàn, nhất là mỗi dịp Tết đến, xuân về.

VOV