Khôi phục vườn Ngự Uyển xưa tuyệt đẹp trong cung vua Nguyễn
Cập nhật: 22/04/2013
Vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ ra mắt vườn Cơ Hạ - vườn Ngự Uyển nổi tiếng một thời tại Kinh thành Huế để phục vụ du khách.

Sau một thời gian dài hoang phế, vườn Cơ Hạ đã được phục hồi lại tuyệt đẹp như hình dáng năm xưa. Cỏ, bụi rậm, cây dại được phát quang, thay vào đó là các con đường đi lát đá như lúc xưa kèm theo nhiều thảm cỏ xanh mượt nõn nà. Ba ngôi nhà rường là nơi để khách ngồi ngắm cảnh, xem video và tranh ảnh xưa về Vườn Cơ Hạ. Các bức thư pháp chữ Hán là những bài thơ vịnh cây, vịnh hoa và vườn cảnh của các vị vua, danh sĩ thời Nguyễn. Nằm len lỏi trong vườn Cơ Hạ là các hồ nước thông nhau với sen, súng cùng nhau khoe hương sắc và cá bơi lội tung tăng, nhiều đàn cò, vạc bay về cư trú mỗi khi trời tối.

Đặc biệt, gần 600 loại cây cảnh quý với 45 chủng loại được huy động từ 56 nghệ nhân chơi cây kiểng, bonsai trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế được đưa về sắp đặt trong vườn theo đúng vị trí trước đây. Riêng hội phong lan Huế đã đưa nhiều loài lan lạ, đặc sắc vào trồng trong vườn tạo sự đa dạng cho sắp đặt cảnh quan vườn Cơ Hạ.

Theo TS. Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, vườn Ngự, tức vườn hoàng gia được xây dựng trong và ngoài hoàng cung, là nơi tập hợp hoa thơm cỏ lạ trong cả nước và in dấu ấn của những bàn tay nghệ nhân tài hoa nhất về nghệ thuật đắp giả sơn, tạo mặt nước, tạo cây kiểng và xây dựng các kiến trúc nghệ thuật. Ít ai biết rằng, tại kinh đô Huế từng có hơn 30 khu vườn ngự với những phong cách riêng rất đặc sắc. Riêng trong Hoàng thành và Tử Cấm thành đã có đến 5 khu vườn Ngự: vườn Thiệu Phương, Ngự Viên, vườn Cơ Hạ, Hậu Hồ và cung Trường Ninh với tổng diện tích gần 90.000m², tức chiếm đến 1/4 diện tích Hoàng cung.

Về thú chơi cây kiểng ở Huế có từ rất sớm. Chỉ có tại Huế, đánh giá cây cảnh có đến 4 yếu tố là Cổ - Kỳ - Nhã - Ý so với 3 tiêu chí Cổ - Kỳ - Nhã như những nơi khác. Cổ là đánh giá tuổi cây, trông càng già lão càng quý. Kỳ là dáng vẻ cây, càng kỳ lạ càng hiếm quý. Còn Nhã là thần thái, phong cách cây, càng trang nhã, quý phái càng quý. Cây cảnh mà đạt được cả 3 tiêu chí trên sẽ vô cùng quý giá, được người chơi xem như đồ trân bảo. Nhưng ở Huế còn thêm 1 tiêu chí khác là Ý. Ý ở đây là ý tưởng, ý thơ toát lên từ cây kiểng. Chính vì vậy, cây kiểng có xuất xứ Huế trở nên rất nổi tiếng và giá cao từ xưa đến nay.

Vào mỗi đêm Hoàng Cung trong Festival Huế 2012, các nghệ sĩ, vũ công sẽ ngâm các bài thơ viết về vườn Ngự cung đình Huế tại 3 khu nhà rường vườn Cơ Hạ. Sau Festival, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ biến nơi này thành một điểm đến du lịch trong khu vực Đại Nội. Cũng trong sáng cùng ngày, tại khu vực phủ Nội Vụ (gần vườn Cơ Hạ) cũng đã khai trương dịch vụ giải khát, ẩm thực phục vụ khách tham quan có chỗ nghỉ chân khi đi nhiều chặng đường dài thăm cung vua Nguyễn.

Dân trí