Hạ Long rực rỡ sắc màu với hoa anh đào và carnaval
Cập nhật: 22/03/2013
(TITC) - Vào tháng 4/2013, cùng với carnaval Hạ Long - lễ hội đường phố rực rỡ, sôi động được tổ chức thường niên từ năm 2007, tại Tp. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) sẽ diễn ra Lễ hội Hoa Anh đào lần thứ nhất. Kế hoạch tổ chức lễ hội đã được UBND tỉnh Quảng Ninh thống nhất trong cuộc họp chiều ngày 18/3.

Theo đó, Lễ hội Hoa Anh đào - Hạ Long 2013 với chủ đề “Giao lưu văn hóa giữa tỉnh Quảng Ninh - Hiệp hội văn hóa quốc tế WANOKAI” sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 13/4/2013 tại công viên Lán Bè (Tp. Hạ Long). Đây là hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 – 2013) và Năm hữu nghị Việt - Nhật 2013 nhằm thắt chặt mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản nói chung, giữa tỉnh Quảng Ninh và các địa phương của Nhật Bản nói riêng.  

Ngoài tâm điểm là triển lãm hoa Anh đào, lễ hội còn có các hoạt động tiêu biểu như: tổ chức các gian hàng giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch của Quảng Ninh và Nhật Bản; giới thiệu các sản phẩm mỹ nghệ, sinh vật cảnh, ẩm thực  của Việt Nam và Nhật Bản; biểu diễn chế biến cá ngừ; triển lãm các tác phẩm nghệ thuật của Quảng Ninh; giao lưu nghệ thuật giữa các nghệ sĩ Quảng Ninh và Nhật Bản...

Lễ hội Hoa Anh đào đã từng được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bắt đầu từ năm nay, lễ hội này sẽ được tổ chức thường niên tại Tp. Hạ Long vào tháng 4. Không gian lễ hội sẽ ngày càng được mở rộng bởi từ cuối năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ đón nhận và trồng hoa anh đào Nhật Bản tại khu du lịch Bãi Cháy (Tp. Hạ Long) và vườn thuốc nam trong khu di tích Yên Tử (Tp. Uông Bí).  

Cùng với lễ hội Hoa Anh đào, Lễ hội Carnaval Hạ Long 2013 với chủ đề “Khám phá sắc màu văn hóa” dự kiến sẽ diễn ra vào tối 27/4/2013 tại đường đôi Hoàng Quốc Việt, phường Hùng Thắng (Tp. Hạ Long) - cửa ngõ vào khu du lịch Bãi Cháy. Hướng tới kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963 – 30/10/2013), lễ hội sẽ giới thiệu bản sắc, giá trị văn hoá của các dân tộc, tiềm năng văn hóa - du lịch các vùng, miền nhằm tạo ấn tượng mới cho du khách.    

Điểm nhấn của carnaval Hạ Long là lễ hội đường phố diễn ra trên một không gian lớn có chiều dài hơn 2km với khoảng 4.000 người tham gia trình diễn. Lễ hội sẽ có 10 xe hoa mô hình thể hiện 8 chủ đề “Sắc màu văn hoá”: “Sắc màu Rồng” tái hiện huyền thoại Rồng xuống Hạ Long cũng là khát vọng bay lên của đất Rồng trong vận hội mới; “Sắc màu kỳ quan” giới thiệu cảnh đẹp và những đặc sản biển của Hạ Long, đồng thời giới thiệu về những cư dân gốc của Hạ Long xưa và nay; “Sắc màu lễ hội” nhấn mạnh tiềm năng du lịch văn hoá, lễ hội đặc sắc của tỉnh; “Sắc màu biển đảo” tái hiện điệu “Gõ phàng” khi đi đánh bắt cá của người dân biển, những cuộc thi bơi chải độc đáo ở các làng biển và lễ đón dâu - một sinh hoạt văn hoá đặc biệt, riêng có của ngư dân biển Hạ Long; “Sắc màu đá cháy” gợi cho du khách về nguồn tài nguyên than đá của tỉnh, gắn liền với đời sống những người thợ mỏ; “Sắc màu bản địa” và “Sắc màu văn hoá tâm linh” làm nổi bật giá trị của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử cùng nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; “Sắc màu quốc tế” xuất hiện cuối cùng với ý nghĩa mời gọi bạn bè năm châu đến với Hạ Long, Quảng Ninh.  

Lễ hội Hoa Anh đào và carnaval Hạ Long được tổ chức thành công sẽ trở thành sản phẩm du lịch thực sự ấn tượng và hấp dẫn du khách, nâng tầm thương hiệu cho du lịch Quảng Ninh.

Phạm Phương