Tận dụng tiềm năng đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long
Cập nhật: 18/03/2013
Các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có sự cải thiện năng lực cạnh tranh tương đối đồng đều chứng tỏ có sự chia sẻ thực tiễn hiệu quả, lãnh đạo địa phương tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp. Chính sự hợp tác này làm cho khu vực ĐBSCL ngày càng có bước phát triển ấn tượng.

Đây là ý kiến của PGS.TS Edmund Malesky-Trưởng Nhóm tư vấn Năng lực cạnh tranh Việt Nam tại Hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các tỉnh  khu vực ĐBSCL phối hợp tổ chức chiều 14/3.

Đại diện các địa phương giới thiệu môi trường kinh doanh đầu tư tại địa phương và đối thoại với các nhà đầu tư. Các địa phương khu vực ĐBSCL đều cho thấy những thế mạnh riêng của mình. 

Tỉnh An Giang nằm ở biên giới Tây Nam của Việt Nam thuộc vùng đầu nguồn sông Cửu Long, có hệ thống giao thông thủy khá thuận lợi, có cảng Mỹ Thới đạt chuẩn quốc gia và dự định khai thác cửa luồng Định An và Quan Chánh Bố có thể đón các tàu lên tới 15.000 tấn.

Tỉnh Bạc Liêu với lợi thế 56 km bở biển lại có lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế biển, có  cảng cá đa năng và khu kinh tế Gành Hào và các khu dịch vụ kỹ thuật hậu cần nghề cá, nuôi tôm công nghiệp. Tỉnh Bến Tre lại có lợi thế về vị trí khá gần TP.Hồ Chí Minh (86km), việc đi lại không quá 2h đồng hồ tạo lợi thế trong việc giao dịch.

Kinh tế vườn và kinh tế biển cũng là một thế mạnh của tỉnh. TP Cần Thơ là 1 trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm khu vực ĐBSCL là một cực  thúc đẩy kinh tế vùng phát triển với các thế mạnh về kết cấu hạ tầng với các cảng Cần Thơ, Trà Nóc, Cái Cui, sân bay tiêu chuẩn quốc tế, chuẩn bị xây dựng Trung tâm điện lực Ô Môn.

Các tỉnh tỉnh ĐBSCL cũng có thế mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời với địa hình thiên nhiên ưu đãi, đặc thù của miền Tây Nam Bộ, dịch vụ du lịch rất có tiềm năng phát triển mạnh thu hút hàng chục triệu lượt khách mỗi năm. Để phục vụ nhu cầu thu hút đầu tư, các tỉnh ĐBSCL cũng quy hoạch nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu…

Các địa phương khu vực ĐBSCL cũng cam kết đồng hành với các nhà đầu tư với phương châm “thân thiện, trách nhiệm, một cửa”, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch các chính sách kế hoạch sử dụng đất, các hồ sơ, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư. Các địa phương khu vực này đều có các huyện thuộc địa bàn kinh tế xã hội thuộc diện ưu đãi đầu tư ở các mức khác nhau. Cụ thể,  thuế TNDN tại các huyện biển có kinh tế khó khăn là 10%, miễn thuế 4 năm và giảm 50% từ năm thứ 5 đến năm thứ 9, các huyện có chính sách ưu đãi khác là thuế 20% trong 10 năm, được miễn 2 năm và giảm 50% từ 2-4 năm tùy lĩnh vực dự án đầu tư.

Dù đạt được thành công bước đầu nhưng điều đáng lưu ý là luồng FDI vào khu vực này chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những vấn đề cần cải thiện chính là khoảng cách từ khu vực sản xuất tới thị trường, kết nối hạ tầng giao thông, viễn thông vẫn cần phải cải thiện. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực, lực lượng lao động qua đào tạo nghề còn khá thấp, dịch vụ việc làm còn hạn chế.

PGS.TS Edmund Malesky phân tích sở dĩ đạt được nhiều tiến bộ một phần do lãnh đạo địa phương khu vực này rất năng động, chủ động, đồng hành với doanh nghiệp. Việc tiếp cận đất đai thuận lợi và lãnh đạo tỉnh rất quan tâm cải thiện cơ sở hạ tầng. Các địa phương khu vực ĐBSCL có sự cải thiện năng lực cạnh tranh tương đối đồng đều chứng tỏ có sự chia sẻ thực tiễn hiệu quả. Chính sự hợp tác này làm cho khu vực ĐBSCL ngày càng có bước phát triển ấn tượng. Tuy nhiên, để trở thành vùng kinh tế, sản xuất lương thực, thủy sản và du lịch trọng điểm của cả nước, các tỉnh trong vùng cần có những giải pháp đột phá để thu hút đầu tư, không chỉ từ nước ngoài mà còn từ các nhà đầu tư trong nước.

Tại Hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng nếu so sánh chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) theo khu vực thì các tỉnh ĐBSCL luôn đứng hàng đầu cả nước, chiếm 3/5 vị trí dẫn đầu: Đồng Tháp (thứ 1), An Giang (thứ 2), Vĩnh Long (thứ 5). Đây thực sự là những con số khích lệ thu hút đầu tư.

chinhphu.vn