Phú Yên liên kết chuỗi dịch vụ để phát triển du lịch
Cập nhật: 22/01/2013
Những năm gần đây, thị hiếu về du lịch đang có xu hướng dịch chuyển sang loại hình du lịch khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa và tìm về những giá trị nhân văn. Từ đó, việc liên kết thành các chuỗi dịch vụ khép kín để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng dựa trên các không gian du lịch sẵn có và những sản phẩm dịch vụ đặc trưng mang bản sắc của đất và người Phú Yên là yêu cầu cấp thiết.

Liên kết để phát triển

Trong các giải pháp phát triển du lịch, người ta thường nhắc đến khái niệm liên kết để phát triển. Tuy nhiên, việc liên kết thường diễn ra giữa các tỉnh trong vùng, miền hay giữa các công ty để chia sẻ thị trường hoặc hạn chế sự cạnh tranh về giá dịch vụ, trong khi việc liên kết hình thành chuỗi dịch vụ thường ít được nhắc đến. Điều này cũng dễ lý giải vì phần lớn các nhà đầu tư vào các khu du lịch thường hướng đến chuỗi dịch vụ khép kín của riêng mình để tạo ra nét đặc trưng, thu hút du khách. Hướng đi này đòi hỏi một nguồn lực lớn, phù hợp với những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, thuận lợi về vị trí địa lý và kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh. Việc cạnh tranh trong thu hút đầu tư các khu du lịch có chuỗi dịch vụ khép kín mang đến kết quả tích cực là có những khu du lịch đẳng cấp đáp ứng nhu cầu của du khách có khả năng chi tiêu lớn (như VinPearl của Khánh Hòa, Bà Nà của Đà Nẵng…). Nhưng hệ lụy là có nhiều khu du lịch na ná về loại hình dịch vụ, làm giảm hiệu quả nguồn lực đầu tư và sức cạnh tranh của cả ngành du lịch nói chung. Nguy hiểm hơn nó tiềm ẩn nguy cơ đánh mất dần nét đặc trưng, bản sắc văn hóa vùng, miền của từng địa phương.

Khả năng thu hút đầu tư để hình thành các khu du lịch với chuỗi dịch vụ khép kín chất lượng cao ở Phú Yên không thuận lợi do hạn chế về kết cấu hạ tầng và bất lợi về vị trí địa lý. Việc tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng dựa trên những điều đang có thay vì phải tìm kiếm, kêu gọi nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng phục vụ là hướng tiếp cận khả thi. Từ đó, những tiềm năng về thiên nhiên, những giá trị đặc sắc về văn hóa sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh của du lịch Phú Yên. Đối tượng du khách mà ngành du lịch Phú Yên cần hướng tới là nhóm du khách có mức chi tiêu trung bình, ưa thích các loại hình du lịch biển, khám phá thiên nhiên, tìm hiểu các giá trị văn hóa đặc trưng và các giá trị nhân văn.

Tuy nhiên, có một thực tế là các cơ sở dịch vụ du lịch thường không muốn chia sẻ các dịch vụ trong cùng nhóm với nhau để làm hài lòng khách hàng. Ví dụ, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng thường muốn khách ăn uống tại nhà hàng của mình để tăng doanh thu hơn là giới thiệu, quảng bá cho du khách các điểm ăn uống, các món ẩm thực do các nhà hàng khác phục vụ. Giữa các đơn vị kinh doanh lữ hành và các điểm tham quan, các cơ sở cung cấp dịch vụ ẩm thực, nghỉ dưỡng, đồ lưu niệm chưa có sự chủ động liên kết chặt chẽ để chia sẻ dịch vụ... Những hạn chế trên đang là rào cản trong việc tạo ra các sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao. Một khi các đơn vị cung cấp dịch vụ riêng lẻ cạnh tranh loại trừ nhau sẽ dẫn tới việc kinh doanh manh mún, không chuyên nghiệp kéo chất lượng xuống thấp.

Vài gợi ý về liên kết chuỗi dịch vụ

Với phương châm liên kết để tồn tại và phát triển, mối gắn kết liên hoàn không gian - thời gian - ẩm thực - văn hóa trong các gói dịch vụ du lịch cần được thực hiện.

Việc gắn kết này đòi hỏi có sự chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp trong ngành với nhau. Mục tiêu là tạo nên sự khép kín chương trình về thời gian, sự hài hòa giữa không gian, sự trộn lẫn giữa nhu cầu hưởng thụ vật chất và nhu cầu thưởng ngoạn tinh thần một cách thoải mái cho du khách. Để hình thành liên kết chuỗi dịch vụ du lịch thì phải giải quyết tốt bài toán lợi ích. Một khi các bên tham gia đều thấy được mối quan hệ hài hòa giữa chuỗi dịch vụ và chuỗi giá trị, thấy được lợi ích của mình trong các mối liên hệ thì mối liên kết ấy mới có cơ sở phát triển bền vững.

Để có sự đồng bộ trong khâu tổ chức hình thành nên các chuỗi dịch vụ thì vai trò của cơ quan Nhà nước quản lý về du lịch rất quan trọng; vừa đóng vai trò định hướng, vừa điều phối trong mối quan hệ lợi ích giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ. Vai trò điều phối của Nhà nước phải thể hiện rõ trong việc thay đổi tư duy, nhận thức của các nhà cung cấp dịch vụ du lịch, thay đổi cách phục vụ cục bộ, nhỏ lẻ sang cách làm chuyên nghiệp, đánh giá đúng tâm lý khách hàng để làm hài lòng du khách; vì lợi ích chung là cùng nhau khai thác lợi ích từ sự đa dạng trong nhu cầu hưởng thụ của du khách. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý phải làm tốt vai trò giám sát để tạo môi trường lành mạnh cho các bên tham gia vào chuỗi dịch vụ. Nhiệm vụ quan trọng nhất ở đây là phải đề xuất được các chuỗi chương trình theo xu hướng thị hiếu khách hàng để làm cơ sở xây dựng mối liên kết dịch vụ. Tiếp đến là tổ chức tạo lập mối liên kết dịch vụ trên cơ sở các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ lợi ích.

Trong điều kiện kết cấu hạ tầng còn yếu kém, khả năng thu hút nguồn lực còn hạn chế, để có thể cạnh tranh với các tỉnh trong khu vực và khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có cho phát triển, ngành du lịch tỉnh cần phải xây dựng được chuỗi dịch vụ nhằm tạo nên sản phẩm du lịch đặc sắc về văn hóa, mang đặc trưng riêng của đất và người Phú Yên.

Báo Phú Yên