Phát huy tiềm năng, lợi thế đầm phá Tam Giang - Cầu Hai
Cập nhật: 26/12/2012
Nằm ở vùng Bắc Trung Bộ, Thừa Thiên - Huế có diện tích hơn 5.000 km², với bờ biển dài 128 km, có cảng Thuận An, cảng nước sâu Chân Mây, vịnh biển Lăng Cô đẹp nhất thế giới.

Ðặc biệt có vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với diện tích hơn 22.000 ha, với tiềm năng phong phú, đa dạng về động, thực vật và khai thác phát triển du lịch. Tháng 11-2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2020".

Nghị quyết dần đi vào cuộc sống

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Chương trình hành động của Chính phủ về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động phát triển kinh tế biển và đầm phá đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Mặc dù trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức do thiên tai, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng Ðảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực phấn đấu, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về biển và đầm phá để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kinh tế toàn vùng tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Lĩnh vực du lịch được chú trọng đầu tư phát triển thành ngành kinh tế chủ lực của vùng. Hình thành các tour du lịch trên đầm phá... phát triển dịch vụ du lịch biển. Thủy sản có bước phát triển khá, gắn nâng cao hiệu quả kinh tế với bảo vệ môi trường sinh thái. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; bảo đảm ổn định diện tích lúa nước. Chăn nuôi được phát triển theo mô hình gia trại, trang trại. Ðã trồng hơn 730 ha rừng, dự kiến năm 2012 - 2015 trồng mới 1.400 ha rừng vùng cát ven biển và đầm phá. Ưu tiên xây mới, nâng cấp các công trình thủy lợi đê điều, giải quyết tốt sản xuất, dân sinh. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cho vùng biển và đầm phá từ năm 2007 - 2011 đạt 34,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 87,6% tổng vốn đầu tư của toàn tỉnh. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội. Nhất là đã hoàn thành chương trình tái định cư dân thủy điện, vùng đầm phá, dân vạn đò sông Hương. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng từng bước được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên. Lồng ghép các nguồn lực để phát triển hệ thống đô thị ven biển và vùng đầm phá; tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển, đưa Quảng Ðiền trở thành điểm nông thôn mới đầu tiên trong vùng đầm phá.

Phát huy lợi thế của vùng đầm phá để vươn ra biển, gắn kết đất liền với đại dương. Năm 2011, khối lượng hàng hóa qua cảng Chân Mây, cảng Thuận An đạt 1.790 nghìn tấn; số lượng khách du lịch đạt 35.000 lượt khách, tăng 7,8 lần. Ðã có 32 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 35.474 tỷ đồng (2,22 tỷ USD) vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Một số dự án có quy mô lớn nằm sát biển trên vùng đầm phá phát huy hiệu quả như: dự án Laguna, dự án hạ tầng khu công nghiệp, Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, dự án kho dầu 70.000 mô cảng dầu 30.000 DWT.

Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế như: Vùng ven biển và đầm phá là thế mạnh về du lịch của Thừa Thiên - Huế, nhưng hạ tầng vẫn còn yếu và chưa đồng bộ; công tác xúc tiến, quảng bá còn hạn chế, do đó lượng khách tham gia các tour lịch đầm phá chiếm tỷ lệ thấp. Huy động mọi nguồn lực, nhất là tranh thủ nguồn lực từ Trung ương, nguồn vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Hệ thống giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt... vẫn chưa đáp ứng đời sống của một bộ phận nhân dân vùng đầm phá vẫn còn khó khăn.

Vươn ra biển lớn

Với lợi thế đặc biệt về đầm phá, Thừa Thiên - Huế lại là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, người dân cần cù yêu lao động; trong cốt cách của người Thừa Thiên - Huế, văn hóa Huế lịch thiệp, duyên dáng, tài hoa, thông minh và hiếu học. Trên cơ sở Nghị quyết về Chiến lược biển và Quyết định 1955 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Ðề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai" đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai đến năm 2020. Ðây là chìa khóa vàng, thời cơ thuận lợi để Ðảng bộ và nhân dân Thừa Thiên - Huế mở cửa ra biển lớn, lấy kinh tế biển và đầm phá làm động lực quan trọng để đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên là tỉnh cần tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển. Cần có tầm nhìn xa về quy hoạch, trước hết là quy hoạch về đất đai; phải nhìn trước vấn đề môi trường, về sắp xếp bố trí dân cư, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống đường giao thông, đặc biệt đê biển và hệ thống đê bao vùng đầm phá. Trong chỉ đạo thực hiện cần có quyết tâm chính trị cao, giải pháp đồng bộ, đề ra chương trình hành động cụ thể trong tất cả các hướng và kế hoạch của từng bước đi. Tam Giang - Cầu Hai là vùng đầm phá có diện tích hơn 22 nghìn ha, lớn nhất Ðông - Nam Á, lại nằm sát biển, do vậy việc phát triển vùng đầm phá cần bảo đảm nguyên tắc phù hợp với Chiến lược biển Việt Nam, phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển của tỉnh và khu vực biển miền trung; bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, môi trường, biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Gắn tăng trưởng kinh tế với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Ðiều kiện tự nhiên của Thừa Thiên - Huế là vùng đất khá đặc biệt, phong phú và đa dạng, được thiên nhiên ban tặng. Do vậy, trong phát triển kinh tế - xã hội cần tạo cho vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có hình ảnh riêng biệt, đặc trưng riêng, có sự hài hòa thống nhất giữa phát triển kinh tế trên biển, kinh tế duyên hải và đầm phá. Hướng tới một nền kinh tế xanh: giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường. Chú trọng phát triển mạnh các ngành kinh tế có tiềm năng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - thủy sản - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp sinh thái. Cảnh quan đầm phá đẹp đẽ, thơ mộng và hữu tình là một đặc sản độc quyền của Thừa Thiên - Huế trong khai thác phát triển du lịch. Phát huy lợi thế của vùng đầm phá, kết nối với du lịch Cố đô Huế thành một hệ thống du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn và độc đáo; tạo bước đột phá quan trọng, đem lại nguồn thu lớn trong phát triển kinh tế du lịch. Ðẩy mạnh kinh tế biển, từng bước hiện đại hóa cảng nước sâu Chân Mây, cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, trở thành những động lực quan trọng, cú hích lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Mặt khác, việc xây dựng, phát triển các đô thị, nông thôn vùng ven biển và đầm phá cần được kết hợp với cảnh quan đầm phá để tạo thành những đô thị sinh thái, nông thôn mới hiện đại nhưng thân thiện với môi trường sông nước.

Báo Nhân Dân