Đờn ca tài tử: “Món độc” ở Phú Quốc
Cập nhật: 02/07/2012
Trong khi nhiều địa phương đang loay hoay tìm hướng đi cho Đờn ca tài tử (ĐCTT) thì Trung tâm VHTTDL Phú Quốc có một mô hình ĐCTT hoạt động như một “điểm sáng” từ việc vực dậy phong trào đến mua bảo hiểm cho toàn bộ hội viên và đang trở thành “món độc” của loại hình du lịch văn hóa được ưa chuộng trên huyện đảo Phú Quốc.

Vực dậy phong trào
Cũng giống như bao nơi khác, trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bà con nơi đất đảo không thể thiếu ĐCTT. Có thể nói, loại hình nghệ thuật này đã ăn sâu vào cuộc sống của người dân huyện đảo, thậm chí trong sự phát triển của xã hội, nhiều loại hình giải trí hiện đại thì ĐCTT ở Phú Quốc vẫn có chỗ đứng và mang những nét độc đáo riêng.

Nếu trước đây khách du lịch ra đảo Phú Quốc “đỏ mắt” để tìm kiếm một điểm sinh hoạt ĐCTT thì nay loại hình này đang phát triển mạnh. Ông Võ Thành Nam, Giám đốc Trung tâm VHTTDL huyện Phú Quốc cho biết: “Sau khi Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Du lịch được hợp nhất từ tháng 6/2011, nhận thấy nhu cầu của người dân trên đảo cần có một điểm sinh hoạt mang tính định kỳ hàng tuần và làm điểm hẹn cho khách du lịch, ngư phủ sau những chuyến đánh bắt xa bờ, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa bằng việc tạo điều kiện để các doanh nghiệp đến đầu tư, từ đó câu lạc bộ ĐCTT ra đời. Đây cũng được xem là thời điểm đánh dấu một “mốc son” quan trọng đối với phong trào ĐCTT của huyện Phú Quốc”.

Đáp ứng nhu cầu của nhiều khách du lịch hâm mộ ĐCTT, câu lạc bộ (CLB) ĐCTT của Trung tâm VHTTDL Phú Quốc ra đời nhằm hâm nóng phong trào ĐCTT tại đây. Ngoài các nghệ nhân kỳ cựu, câu lạc bộ còn có nhiều bạn trẻ đến từ các ngành nghề khác nhau tham gia. Tuy chưa đạt đến độ sắc sảo về âm điệu, nhưng do có niềm say mê với loại hình nghệ thuật này, các nghệ nhân vẫn thể hiện được giai điệu của ĐCTT lúc cao, lúc trầm, lúc hứng khởi vui tươi, lúc ưu sầu da diết... để người nghe cũng phải say sưa thả hồn theo từng tiếng nhạc... Hiện ĐCTT ở Phú Quốc được nhiều người cho là “món độc” khi các nhà hàng, khách sạn, bảo tàng ở đây đều đưa loại hình này vào phục vụ du khách; bởi thế mà loại hình này đã nhanh chóng trở thành sản phẩm du lịch mới ở đây.

Mô hình xã hội hóa

Phong trào ĐCTT ở Phú Quốc đang góp phần xây dựng và phát huy văn hóa âm nhạc tài tử trong đời sống cộng đồng. Trong đó, hoạt động của các CLB, nhóm luôn gắn kết và hỗ trợ nhau, dưới sự quan tâm chỉ đạo của ngành Văn hóa.

Ông Tô Duy Chiêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: “Sau khi Viện Âm nhạc Việt Nam đến Kiên Giang phối hợp tổ chức tọa đàm “Nghệ thuật đờn ca tài tử” và ghi hình làm tư liệu hoàn chỉnh hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, Trung tâm VHTTDL huyện Phú Quốc nhân cơ hội này đã vực dậy phong trào và được xem là mô hình hiệu quả trong việc xã hội hóa ĐCTT.

Bà Hà Kim Thanh, Chủ nhiệm CLB ĐCTT Trung tâm VHTTDL Phú Quốc cho biết: “CLB có 35 thành viên, sinh hoạt định kỳ mỗi tuần vào thứ 2, thứ 5 tại Nhà văn hóa huyện. Tất cả các chi phí sinh hoạt đều được xã hội hóa và CLB tự quản trong sinh hoạt. CLB đã mua bảo hiểm tai nạn cho toàn bộ thành viên CLB. Ngoài ra mỗi thành viên trong 1 tháng được nhận 300 ngàn đồng chi phí xăng xe đi lại. Khi có đám tiệc yêu cầu là CLB đều đến phục vụ và tổ chức thăm hỏi các thành viên khi đau ốm. Chương trình sinh hoạt CLB rất phong phú, vì luôn cập nhật bài bản mới để hát phục vụ công chúng và khách du lịch mến mộ. Mỗi buổi sinh hoạt thu hút từ 50 đến 200 lượt người đến xem, đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người hâm mộ bộ môn nghệ thuật ĐCTT”.

Ông Võ Thành Nam cho biết thêm: “Đến nay, duy nhất trong tỉnh Kiên Giang chỉ có CLB ĐCTT ở Trung tâm VHTTDL Phú Quốc thực hiện việc mua bảo hiểm tai nạn cho toàn bộ hội viên trong CLB. Điều này sẽ động viên được các hội viên gắn bó lâu dài với CLB. Trong thời gian tới, CLB sẽ tiếp tục phát huy sức sống mãnh liệt của ĐCTT để mang lại một diện mạo mới, phục vụ có hiệu quả nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng và khách du lịch. Thông qua đó, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân trên huyện đảo Phú Quốc”.

Hy vọng, với những cố gắng và nỗ lực của những người làm văn hóa ở Phú Quốc, loại hình nghệ thuật ĐCTT sẽ sớm được vinh danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Báo Văn hóa