Một số hoạt động văn hóa đặc sắc đón Tết Canh Dần tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh
Cập nhật: 29/01/2010
Nhân dịp xuân Canh Dần 2010 và cũng là chào đón Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có tổ chức một số hoạt động văn hóa đặc sắc phục vụ người dân trong nước và du khách:

Tại Hà Nội:

Chương trình “Xuân Quê hương 2010”

            Một góc Hoàng Thành Thăng Long

Ngày 6/2/2010 (tức ngày 23 tháng Chạp năm Kỷ Sửu), tại khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chương trình “Xuân Quê hương 2010”.

Ngoài mục đích chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, hoạt động này còn có ý nghĩa thiết thực trong công tác ngoại giao văn hóa của Đảng và Nhà nước ta đối với kiều bào ở nước ngoài.

Được biết, chương trình bao gồm 4 phần: Lễ hội 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chiêu đãi, nói chuyện, chúc Tết kiều bào và một số hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Chương trình Vui xuân Canh Dần

Từ ngày 19 đến 21/2/2010 (tức từ ngày 6 - 8 tháng Giêng năm Canh Dần), tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, quận Cầu Giấy, Hà Nội), sẽ diễn ra chương trình “Vui xuân Canh Dần”.

Du khách tham quan Bảo tàng dân tộc học Việt Nam

Du khách đến Bảo tàng trong thời gian này, sẽ có dịp được đắm mình trong không gian văn hoá cồng chiêng của các dân tộc đến từ tỉnh Kon Tum, xem múa rối nước đến từ huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, xem vẽ thư pháp, xem các nghệ nhân Đông Hồ (Bắc Ninh) vẽ những tác phẩm tranh dân gian Đông Hồ, đặc biệt, du khách có thể tự tay vẽ những tác phẩm tranh Đông Hồ…

Bên cạnh đó, du khách còn có dịp tham gia các trò chơi phong phú và sinh động như: pháo đất, đánh đu, kéo co, đi cà kheo của người Kinh; ném còn của người Tày; tỏ mạ mằng, ô ăn quan, mạc hạp, mả mú xứa, pa mạ na ố, mả hạp, tỏ hốn tá lòn của người Thái; thưởng thức ẩm thực cổ truyền đặc sắc của người Tày (Lạng Sơn) như: lợn quay lá mác mật, thịt trâu khô xào chua ngọt, lạp xường hun khói trên gác bếp, xôi màu, các loại bánh: cóc mò, pẻng khô, khẩu sli… và rượu men lá.

Được biết, Bảo tàng sẽ đốt cây pháo bông mừng năm mới và biểu diễn rối nước vào tối khai hội (19/2).

Tại thành phố Hồ Chí Minh:

Chương trình "Đường hoa Nguyễn Huệ và Lễ hội Tết 2010"

Từ ngày 11 – 17/2/2010, tại thành phố Hồ Chí Minh, sẽ diễn ra chương trình "Đường hoa Nguyễn Huệ và Lễ hội Tết 2010". Chương trình này bao gồm 6 phần chính: đường hoa Nguyễn Huệ Tết Canh Dần 2010; ngày hội bánh tét; phố tỏa sáng tết Canh Dần; pháo hoa đêm giao thừa; door shows, window show  khoảnh khắc đón năm mới.

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Canh Dần 2010: với chủ đề “Xuân Bình Minh”, đường hoa năm nay sẽ được triển khai trên suốt trục đường Nguyễn Huệ từ ngày 11 – 17/2/2010 và chia thành 6 phân cảnh với những chủ đề nhỏ: Vầng thái dương, Xuân yêu thương, Bình minh hội tụ, Sức mạnh đoàn kết, Góc quê hương và Hướng về Thăng Long.

Theo các nhà thiết kế, năm 2010 là năm con hổ, hổ thì sống ở núi rừng, do đó đường hoa năm nay sẽ mang đậm màu sắc của cao nguyên với hình tượng hổ bằng sơn mài, tre, gỗ; đồi đá, guồng nước, gùi hoa, ô ruộng… Bên cạnh đó, nhằm giúp du khách tham quan có dịp sống lại miền ký ức về những khung cảnh làng quê vùng đồng bằng, các nhà thiết kế đã sắp đặt, trang trí một “Góc quê hương” với ao sen, ghe xuồng, lưới vó, chõng tre, cầu khỉ, ụ rơm, lúa vàng… Đặc biệt, đường hoa năm nay được trang trí rất lạ mắt nhằm tạo sự mới mẻ và thuận tiện cho du khách tham quan: các tiểu cảnh hoa (những con sóng, mái nhà rông, ngọn đồi, trái tim, đôi giày…) được sắp đặt trên cao, còn ở đoạn cuối của đường hoa, phía giáp bến Bạch Đằng, những con sóng hoa tạo hình tượng con rồng ngậm quả châu ngọc khổng lồ hướng đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Ngày hội bánh tét: Trong hai ngày 9 và 10/2, tại công viên văn hoá Đầm Sen (quận 11) sẽ diễn ra hội thi nấu bánh tét. Ngày 12/2, tại đền tưởng niệm các Vua Hùng (quận 9), bảo tàng Hồ Chí Minh và bảo tàng Tôn Đức Thắng (quận 1), sẽ diễn ra lễ dâng cúng bánh tét. Được biết, 10.000 bánh tét sẽ được trao tặng cho các gia đình nghèo và trẻ em.

Phố tỏa sáng tết Canh Dần: nhằm khai thác, đồng thời cũng là giới thiệu nghệ thuật hoa đăng Việt Nam, từ ngày 29/1 – 21/2, tại tuyến đường Lê Lợi và Đồng Khởi (quận 1) sẽ được trang trí hoa đăng với chủ đề Phố tỏa sáng tết Canh Dần. Được biết, tại cổng chào đường Lê Lợi là bốn bộ hoa đăng hoành tráng về loài hổ – linh vật của năm Canh Dần, tại cổng chào đường Đồng Khởi là bốn bộ hoa đăng về tranh Tết Việt nam, trên cao và 2 hàng cây bên đường là những chuỗi lồng đèn hoa mai, hoa đào rực rỡ, những cụm tre bằng hoa đăng lung linh, lấp lánh.

Bắn pháo hoa đêm giao thừa: năm nay, thành phố sẽ tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa tại bảy điểm (tầm cao bốn điểm và tầm thấp ba điểm) gồm: Khu vực hướng lên hầm chui Thủ Thiêm ở quận 2 (đối diện bến Bạch Đằng), công viên Bình Phú ở quận 6, dự án công viên văn hóa quận Gò Vấp, Tây - Bắc khu công nghiệp Củ Chi, công viên lịch sử văn hóa dân tộc ở quận 9, đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi, sân bóng đá huyện Cần Giờ.

Door shows, window shows: nằm trong chương trình Lễ hội Tết 2010, từ ngày 11 - 16/2/2010, một số khách sạn của Saigontourist nằm ở trung tâm thành phố và một số đơn vị nằm ở mặt tiền các tuyến đường diễn ra Lễ hội sẽ tổ chức door shows, window shows với các tiết mục văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam.

Khoảnh khắc đón năm mới: Hòa cùng không khí cả nước đón năm mới và cũng là một trong 6 hoạt động của Lễ hội Tết 2010, từ ngày 12 – 16/2, tại các trục đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ (quận 1) đồng loạt diễn ra chương trình biểu diễn nghệ thuật trên đường phố với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ một số đoàn nghệ thuật thành phố, tỉnh Bình Phước, bao gồm các tiết mục: lân sư rồng, thổi kèn đồng, biểu diễn cồng chiêng, xiếc, múa rối, hát bội, đi cà kheo…

Vui Tết Canh Dần ở Đầm Sen

Đến với công viên Văn hoá Đầm Sen (3 Hoà Bình, quận 11) trong dịp Tết năm nay, du khách sẽ được tham gia Lễ hội lì xì với không gian được trang trí những tiểu cảnh ngày Tết. Nhân vật Phước, Lộc, Thọ và gia đình Mascot của công viên Văn hóa Đầm Sen sẽ giao lưu, chúc phúc và trao tặng bao lì xì cho du khách.

Cũng trong khuôn khổ Lễ hội, một số hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức như: biểu diễn thuyền đăng trên hồ, live show danh hài Hoài Linh, Kiều Oanh, nhạc kịch dành cho thiếu nhi... đặc biệt, công viên chính thức giới thiệu đến du khách hai trò chơi cảm giác mạnh: Super Swing và Samba Tower.



                                                                                                             Thanh Hải biên tập
TITC