Khai mạc Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản 2009
Cập nhật: 17/08/2009
Ngày 14/8/2009, “Những ngày giao lưu văn hóa Việt Nam-Nhật Bản 2009” chính thức khai mạc và diễn ra trong 3 ngày từ 14-16/8/2009 tại phố cổ Hội An và xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam).

Một trong những nét điểm xuyết chính mà phía “chủ nhà” dành “đãi” du khách tại lễ hội lần này chính là cuộc thử nghiệm một “Không gian văn hóa Việt” trải dài bên bờ sông Hoài của phố cổ Hội An. Những tinh hoa văn hóa truyền thống, đặc trưng của từng vùng miền trên đất nước Việt Nam, trong đó chú trọng đến không gian văn hóa miền Trung sẽ được giới thiệu đến với các bạn Nhật và du khách trong suốt những ngày diễn ra lễ hội.

Mới lạ không gian văn hóa Việt

“Không gian văn hóa Việt” được bố trí theo 5 “gói” sắp xếp theo bố cục gồm: Các loại hình văn hóa, sản phẩm văn hóa; nhân vật văn hóa; văn nghệ trình diễn và ẩm thực Việt.

Không gian trung tâm nằm ở phía cầu Quảng trường sông Hoài sẽ là nơi diễn ra các hoạt động chính với 9 mảng không gian mang sắc màu của nhiều miền văn hóa Việt. Không gian đồng bào trưng bày tác phẩm của nhóm nghệ sĩ đất Quảng. Không gian Đông Sơn là nơi khai lễ và trình diễn kỹ thuật đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống, biểu diễn nghệ thuật đánh trống Đông Sơn. Không gian giới thiệu nếp nhà Việt truyền thống với nhà rường 3 gian, lợp lá dừa và sẽ là điểm nhấn chính cho chương trình khai mạc của “Không gian văn hóa Việt”. Ở không gian trung tâm này còn có có không gian như Quốc Văn; Hồn Nước; tranh Hàng Trống của nghệ nhân Lê Đình Nghiêm, Hoa đất - nghệ thuật làm hoa đất xuất xứ từ Nhật Bản được các nghệ nhân Hà Nội Việt hoá và tái hiện, Hoa giấy của Huế và nghệ thuật trà Việt.

Phần không gian 2 thiên về sự chọn lọc các loại hình sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng cho các vùng miền và được kể theo từng cốt truyện khá rõ ràng. Phần “Cội nguồn” là câu chuyện kể, triển lãm, trình diễn, giới thiệu về trống làng Đọi Tam (Hà Nam); sản vật gạo nương của Mường Thanh, Điện Biên; lụa Quảng Nam; gốm Chu Đậu; rối nước. “Dọc dải miền Trung” sẽ là “Không gian Kiều” do Bảo tàng Nguyễn Du-Hà Nội thực hiện để giới thiệu về truyện Kiều, vịnh Kiều. Các giá trị văn hóa, danh thắng, tinh hoa văn hóa nghệ thuật, trưng bày và chế tác các sản phẩm truyền thống của miền Trung Việt Nam được giới thiệu với du khách qua các không gian “Hang động Phong Nha”; “Không gian Huế”; “Không gian Mỹ Sơn”, “Phố Hội”, “Đất Võ”, “Hương sắc núi rừng”,... . “Không gian văn hoá Việt” còn mở ra với “Hương vị miền Nam” qua những câu chuyện kể về vùng đất Gạo trắng nước trong Cần Thơ, xứ dừa Bến Tre, hương rừng Cà Mau cùng gốm Phương Nam.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Hội An, cho biết: Có đến 35 không gian liên kết chặt chẽ với nhau trong “Không gian văn hoá Việt”. Chương trình không chỉ là sự trình diễn mà còn có những cuộc giao lưu, đối thoại, gặp gỡ trực tiếp với những nhà văn hóa tên tuổi của Việt Nam như GS-TS Trần Văn Khê nói chuyện, thảo luận về âm nhạc dân tộc; GS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hoá dân tộc trao đổi về ca trù, chèo, quan họ...

Đáp lại “thịnh tình” của chủ nhà, tại lễ hội lần này, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng với các đơn vị đồng tổ chức phía Nhật Bản sẽ tổ chức một chương trình đặc biệt ngoài trời với chủ đề “Đêm hội Nhật Bản tại Hội An” vào đêm 15.8 với 5 chương trình nghệ thuật được các nghệ sĩ hàng đầu Nhật Bản biểu diễn.

Mở rộng giao lưu từ các hoạt động mở

Ông Lê Văn Giảng- Chủ tịch UBND TP Hội An nhấn mạnh: Lễ hội lần này có sự tham gia của sự tham gia của Đại sứ quán Nhật Bản và Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam thuộc Quỹ Nhật Bản. Việc triển khai các hoạt động giao lưu văn hóa, các hoạt động nâng cao nhận thức và hành động vì môi trường của sự kiện với nhiều hoạt động giao lưu, trao đổi văn hóa, nghệ thuật đa dạng và phong phú, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa hai dân tộc thông qua việc hiểu biết sâu sắc nền văn hóa của mỗi quốc gia.

 Trình diễn thời trang Áo dài và Kimono Nhật Bản

            Cùng nhảy điệu múa Bon Nhật Bản


Chính vì thế, bên cạnh những “điểm nhấn chính” giới thiệu văn hóa của từng quốc gia, tại lễ hội lần này còn có hàng loạt hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao,...mở rộng sự giao lưu của những người bạn đến từ Nhật Bản, của du khách từ nhiều quốc gia khác với người dân Việt Nam, cư dân phố cổ. Các hoạt động giới thiệu văn hóa Việt Nam, Nhật Bản đều được tổ chức mở để bất cứ du khách, người dân nào cũng có thể th am gia, cùng thưởng thức, cổ vũ và có thể tự làm theo như: Lễ hội đập bánh nếp; Ngày hội mặc thử áo Yukata và chụp ảnh (Nhật Bản); lớp học trà đạo, thư pháp do các nhà thư pháp Việt Nam và Nhật Bản cùng phối hợp thực hiện. Trình diễn thời trang Áo dài và Kimono; đua thuyền ngang, kéo co trên thuyền giữa các tình nguyện viên Nhật Bản với thanh thiếu niên Hội An, du khách.
Báo Văn hóa