Xây dựng các điểm du lịch tâm linh để thu hút khách
Cập nhật: 16/01/2014
Du lịch tâm linh từ lâu đã trở thành một phần đời sống tinh thần của nhân dân. Đáp ứng nhu cầu đó, du lịch tâm linh ở Thanh Hóa được phát triển thành 2 loại: tham quan các di sản văn hóa và lễ hội.
Điểm đến du lịch tâm linh Cửa Đặt, Thường Xuân

Vốn là một miền đất cổ, Thanh Hóa có nền văn hóa lâu đời, phát triển rực rỡ qua nhiều thời đại. Thanh Hoá cũng là nơi sản sinh nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa nổi tiếng. Trên địa bàn tỉnh ta hiện có hàng nghìn di tích lịch sử văn hóa trong đó có những di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Những di sản văn hóa đó đến ngày nay được coi là những điểm đến tham quan, tìm hiểu văn hóa của đông đảo du khách. Bên cạnh đó, hàng năm ở khắp các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đều tổ chức long trọng và trang nghiêm các lễ hội đặc trưng của từng địa phương để đáp ứng một phần đời sống tinh thần, tâm linh của người dân. Từ sự nhìn nhận về tiềm năng lợi thế đó, trong kế hoạch “Phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2013 - 2020, thực hiện chương trình hành động quốc gia về du lịch” đối với mục tiêu phát triển du lịch, loại hình du lịch tâm linh được xác định là một trong những sản phẩm du lịch của tỉnh. 

Đồng thời, xây dựng các tuyến du lịch và kết nối các điểm du lịch tâm linh với nhau. Trong đó tập trung xây dựng các tuyến du lịch trọng điểm xuất phát từ thành phố Thanh Hóa hoặc từ các khu du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến, Tiên Trang, Hải Hòa, Nghi Sơn. Cụ thể có một số tuyến như sau: tuyến thứ nhất: đền Lê - nhà tưởng niệm Hồ Chủ tịch - đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng - thiền viện Trúc Lâm - động Tiên Sơn - hồ Kim Quy; tuyến thứ 2: đền Độc Cước - hòn Trống Mái - chùa Cô Tiên - làng chài Vinh Sơn - biển Sầm Sơn; tuyến thứ 3: di tích lịch sử Lam Kinh - Cẩm Lương - thành nhà Hồ - làng nghề đúc đồng Thiệu Hóa, tơ Hồng Đô; tuyến thứ 4: hang Lò cao kháng chiến Hải Vân - vườn quốc gia Bến En - làng hoa Lan; tuyến thứ 5: bán đảo Nghi Sơn - động Trường Lâm - cụm thắng tích làng nghề Ba làng; tuyến thứ 6: đền Cửa Đạt - Phủ Na - Am Tiên - làng nghề đá mỹ nghệ Nhồi; tuyến thứ 7: đền Bà Triệu - đền Sòng - động Từ Thức - chợ Hói Đào - làng nghề dệt chiếu Nga Sơn; tuyến thứ 8: du lịch dọc sông Mã từ cảng Hới đến ngã ba Bông. 

Du lịch tâm linh là một thế mạnh của Thanh Hóa, trong đó bao gồm cả hành trình tìm kiếm các giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống với thái độ trân trọng trước những di tích lịch sử. Từ sự nhìn nhận về tiềm năng của một vùng đất cổ, có thể thấy rằng các dự án thực hiện phát triển du lịch văn hóa tâm linh là một lựa chọn sáng suốt của các cấp, các ngành. Việc xây dựng các tuyến du lịch tâm linh thành công là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của tỉnh. 

Để phát huy tác động tích cực của du lịch tâm linh đối với sự phát triển, tăng trưởng chung của ngành du lịch cũng như đóng góp vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh trước tiên phải đảm bảo việc tôn trọng nền văn hóa, cảnh quan nơi di sản để du khách có thể cảm nhận được nét đẹp văn hóa của con người, mảnh đất địa linh nhân kiệt và giá trị của chính những di sản văn hóa đó. Để làm được điều này cần thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và chính người dân địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị di sản trên quê hương mình...

Văn hóa và đời sống