Lễ tế Nam Giao 2008
Cập nhật: 04/06/2008
Ngày 4/6/2008, Lễ tế Nam Giao - một đại lễ cung đình xưa đã được tái dựng gần với nguyên bản tại đàn Nam Giao triều Nguyễn, thành phố Huế. Theo Ban Tổ chức, đây là Lễ tế Nam Giao thật sự chứ không đơn thuần chỉ là một lễ hội.

Lễ tế Nam Giao là lễ tế trời, đất và các vị thần linh quan trọng nhất trong bờ cõi quốc gia. Bởi vậy, trong chế độ quân chủ phong kiến ở nước ta, đây là lễ tế quan trọng nhất và được tiến hành hoành tráng, trang trọng nhất (hàng Đại tự).

Dưới triều Nguyễn, đàn Nam Giao được xây dựng ở phía Nam Kinh Thành từ năm 1806. Đàn gồm 3 tầng, tầng trên hình tròn tượng trưng cho Trời, hai tầng dưới hình vuông tượng trưng cho Đất và Con Người. Đàn Nam Giao nằm trong một khuôn viên rộng 390m x 265m, có tổng diện tích khoảng 10ha, xung quanh là rừng thông xanh biếc.

Từ khi đàn tế được xây dựng xong cho đến cuối thế kỷ 19, hàng năm triều Nguyễn đều tổ chức Lễ tế Nam Giao vào mùa xuân; từ thời vua Thành Thái trở đi, do điều kiện kinh phí hạn hẹp nên 3 năm mới tổ chức một lần. Trong Lễ tế Nam Giao, có thể đích thân nhà vua đứng chủ tế hoặc giao cho quan khâm mệnh đại thần thay mặt làm chủ tế.

Do những ý nghĩa lịch sử văn hóa quan trọng cùng các giá trị nhân văn độc đáo của Lễ tế Nam Giao mà lễ hội cung đình này đã được nghiên cứu và phục dựng từng phần trong 3 kỳ Festival trước: Festival 2002, 2004 và 2006.

Trong Festival Huế 2008, Lễ tế Nam Giao vẫn là một trong những lễ hội quan trọng nhất, bao gồm hai phần: Lễ xuất cung và Lễ tế tại đàn Nam Giao.

Lễ Xuất cung diễn ra trong không gian từ điện Thái Hòa qua Ngọ Môn ra cửa Quảng Đức và đến bến Phu Văn Lâu (Nghênh Lương Đình), theo hành trình của lễ xuất cung của các vua triều Nguyễn.

Lễ tế tại đàn Nam Giao diễn ra trong vòng 120 phút, bắt đầu từ việc tái hiện đoàn ngự đạo đi từ Trai cung tiến sang đàn Nam Giao; nhà vua (diễn viên sắm vai) thực hiện một số nghi thức tại hai tầng đàn dưới và làm lễ tế trời ở Viên đàn - tầng chính đàn Nam Giao. Đây cũng là lần đầu tiên phẩm vật tế tự được đảm bảo đầy đủ và các nghi thức, lễ nhạc được cử đúng theo điển chế của triều Nguyễn.
Trung tâm Tin học