Khai thác hiệu quả thị trường du lịch Nga bằng cách nào
Cập nhật: 15/10/2013
Trước lượng khách du lịch từ Nga sang Việt Nam tăng mạnh, nhiều đơn vị lữ hành đang trăn trở về chiến lược nhằm giữ chân và thu hút lượng khách này.
Bà Hoàng Thị Phong Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty Du lịch Ánh Dương, đại diện Công ty Pegas Touristik (Thổ Nhĩ Kỳ) tại Việt Nam, đơn vị đưa hơn 50% tổng lượng khách Nga vào Việt Nam cho biết, khách Nga tìm đến đông là tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên nhiều đơn vị lữ hành cũng “lo” không kém.

Du khách Nga mua sắm tại Khánh Hòa

Điển hình như dịch vụ làm thủ tục ở sân bay của chúng ta còn tốn quá nhiều thời gian, hay việc khan hiếm hướng dẫn viên (HDV) giỏi tiếng Nga (số lượng HDV biết tiếng Nga hiện nay ở Việt Nam mới khoảng 420 người, con số quá ít so với nhu cầu phục vụ khách tối thiểu và đúng quy định hiện hành) đã tạo rào cản cho nhiều đơn vị.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết thêm nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, khai thác nguồn khách Nga như: khách Nga đến Việt Nam chủ yếu là nghỉ biển dài ngày tại một địa điểm nên việc cung ứng phòng khách sạn vào mùa cao điểm rất khó khăn, nhiều khu vực tại Nga chưa có đường bay trực tiếp đến Việt Nam mà chủ yếu phải quá cảnh tại Moscow hoặc qua nước thứ ba khiến giá tour tăng do chi phí di chuyển, giảm khả năng cạnh tranh với nhiều nước cùng khu vực…

Bà Hoàng Thị Phong Thu đề xuất Bộ VHTTDL, TCDL và các Sở VHTTDL địa phương nên tổ chức các khóa học tiếng Nga và cấp thẻ HDV cho người Việt Nam để khắc phục tình trạng thiếu HDV tiếng Nga đang ngày một trầm trọng, đồng thời nên đề ra những kế hoạch cụ thể để đào tạo, cung ứng nguồn HDV này cho các đơn vị lữ hành trong thời gian tới.

Nhiều đơn vị lữ hành thì cho rằng nên xem xét nới dài thời gian lưu trú của khách Nga tại VN từ 15 ngày như hiện nay lên 30 ngày, bởi “có nhiều khách Nga muốn nghỉ dưỡng liên tục trên 3 tuần tại Việt Nam nhưng trong luật quy định chỉ có 15 ngày nên họ đã không đến”.

Để khai thác khách du lịch Nga ngày một hiệu quả, từng bước đi vào chiều sâu, một số chuyên gia du lịch cho rằng, thời gian tới, ngành du lịch nội địa cần tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến, quảng bá cho thị trường Nga, từ việc xúc tiến du lịch tại chỗ đến tận dụng thế mạnh của internet, quảng bá qua các website bằng tiếng Nga.

Bên cạnh đó cần chú trọng đào tạo để tăng chất lượng đội ngũ HDV, thuyết minh viên, điều hành, bán tour bằng tiếng Nga, đảm bảo hiệu quả cho các giao dịch; cơ sở hạ tầng như dịch vụ ăn uống, lưu trú, di chuyển… ở các điểm đến thu hút đông khách Nga phải được chú trọng đầu tư; khuyến khích và phối hợp với các công ty du lịch, hãng hàng không trong và ngoài nước, tăng các chuyến bay đến các cảng hàng không quốc tế của Việt Nam.

TCDL đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp thông qua việc phối hợp xúc tiến điểm đến quốc gia, điểm đến địa phương, các sản phẩm dịch vụ du lịch tại các hội chợ du lịch quốc tế tổ chức tại Nga; trao đổi, phối hợp với cơ quan du lịch Nga thực hiện các cam kết theo kế hoạch hợp tác phát triển du lịch mà hai bên đã ký kết...


Theo số liệu thống kê, năm 2012 được xem là thời điểm “bùng nổ” đón khách Nga của Việt Nam, với hơn 174.280 lượt khách, tăng hơn 71% so với năm 2011. Trong 8 tháng năm 2013, khách Nga du lịch Việt Nam đạt 189.317 lượt khách, tăng hơn 63% so với cùng kỳ năm 2012. Hiện có tổng cộng 4 hãng máy bay đưa khách Nga đến Việt Nam và ngược lại gồm: Vietnam Airlines, Aeroflot, Transaero và OrienAir. Đa phần đối tượng khách Nga đến Việt Nam có mức chi tiêu cao, trong độ tuổi 25-34, với thời gian lưu trú khoảng 10 - 15 ngày/chuyến. Trong đó, Nha Trang, Bình Thuận, Đà Nẵng là những điểm đến nổi bật được đông khách Nga lựa chọn.

 

Báo Văn hóa