Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
 
Thành phố Sầm Sơn

Diện tích: 44,94 km² Số dân: 150.902 người (2016)
Dân tộc: Kinh
Đơn vị hành chính:
- Phường: Bắc Sơn, Trung Sơn, Trường Sơn, Quảng Tiến, Quảng Cư, Quảng Châu, Quảng Thọ, Quảng Vinh.
- Xã: Quảng Minh, Quảng Hùng, Quảng Đại.

Sầm Sơn là thành phố đồng bằng ven biển của tỉnh Thanh Hoá, cách TP. Thanh Hoá 16km về phía đông nam theo đường quốc lộ 47, phía bắc giáp huyện Hoằng Hoá, phía nam và phía tây giáp huyện Quảng Xương, phía đông giáp Biển Đông.

Thành phố Sầm Sơn có địa hình tương đối bằng phẳng, là vùng đất sơn thuỷ hữu tình với khí hậu trong lành, thích hợp cho việc phát triển du lịch. Đây cũng là một trong những trung tâm du lịch biển nổi tiếng ở Việt Nam.

Với chiều dài khoảng 6km từ cửa Hới đến chân núi Trường Lệ, bãi biển Sầm Sơn từ lâu đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Biển Sầm Sơn có 3 bãi tắm là bãi A, bãi B và bãi C với bờ cát thoai thoải, mịn, sóng êm, nước trong và nồng độ muối vừa phải, rất tốt cho sức khoẻ con người. Sầm Sơn còn nổi tiếng với nhiều loại hải sản quý như mực ống, tôm he, cua gạch; các loại cá chim, thu, nụ, đé... Ngoài ra, đến đây, du khách còn có thể đi xích lô hoặc thuê xe đạp đôi để dạo chơi ngắm biển biển.

Sầm Sơn còn có nhiều danh lam - thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng như: núi Trường Lệ, hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, đền Cô Tiên... Mỗi di tích đều gắn với một truyền thuyết được người dân lưu truyền cho đến ngày nay.

Nằm ở phía đông nam của bãi biển Sầm Sơn là núi Trường Lệ, có hình dáng giống một người phụ nữ đang nằm ngửa mặt nhìn lên trời xanh. Truyền thuyết kể rằng, vào một năm, có một trận đại hồng thủy đã cuốn trôi mọi thứ ra biển. Một người phụ nữ mang thai gần tới ngày sinh đã nguyện nằm ở bờ biển làm con đê chắn sóng. Cảm phục và xót thương tấm lòng cao cả của bà, dân làng đã lấy đất, đá đắp lên thi hài bà thành nấm mộ, tạo nên dãy núi Trường Lệ (có nghĩa là nước mắt dài) như ngày nay.

Đi theo con đường quanh co bên sườn núi Trường Lệ, du khách sẽ gặp hai hòn đá nằm chênh vênh trên một phiến đá lớn. Đó là hòn Trống Mái, gắn liền với truyền thuyết về mối tình thủy chung của đôi vợ chồng trẻ yêu nhau đến chết cũng không dời.

Đền Độc Cước tọa lạc trên đỉnh núi Cổ Giải thuộc dãy núi Trường Lệ. Đền được dựng từ đời Trần (1225-1400), gắn liền với sự tích chàng trai khổng lồ đã tự xẻ đôi thân mình, một nửa ở ngoài khơi, một nửa trong đất liền để bảo vệ dân làng khỏi bọn quỷ. Tưởng nhớ công ơn của chàng, người dân đã lập đền thờ chàng ngay bên tảng đá có vết lõm dấu chân khổng lồ của chàng và đặt tên là đền Độc Cước (có nghĩa là “một chân”).

Nằm ở phía nam núi Trường Lệ là đền Cô Tiên. Tương truyền, thuở xưa, ở làng Núi có đôi trai gái yêu nhau thắm thiết. Không may, cô gái bị bệnh hủi nên phải ra hang núi tá túc. Người yêu cô cũng bỏ làng đi theo, rồi họ trở thành vợ chồng. Về sau, cô gái lành bệnh nhờ ăn một loại lá cây. Từ đó, cô trở thành người làm thuốc để cứu nhân độ thế. Khi mất, cô được dân sở tại lập đền thờ, gọi là đền Cô Tiên.

Sầm Sơn còn được biết đến với các lễ hội có quy mô lớn như: lễ hội cầu phúc (16/1 âm lịch); lễ hội bánh chưng, bánh dày (12/5 âm lịch); lễ hội cầu ngư (15/5  âm lịch)…

Với tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, Sầm Sơn đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM