Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Chùa Nành

Vị trí: nằm cách trung tâm Thành phố Hà Nội khoảng 17km về phía đông-bắc, thuộc xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Đặc điểm: là một trong bốn ngôi chùa thờ Tứ Pháp vào loại lớn nhất ở miền Bắc Việt Nam.

Chùa Nành còn có tên gọi khác là chùa Pháp Vân tương truyền được xây dựng từ thời Lý. Chùa Nành còn được người dân trong làng gọi bằng cái tên dân dã là chùa Cả. Vì đây là chùa lớn nhất trong cụm các chùa trong làng. Làng có ba chùa là: chùa Cả (hay chùa Nành, tên chữ là Pháp Vân tự), chùa Khánh Ninh dựng năm 1664, chùa Đại Bi dựng năm 1673. Quy mô của chùa khá lớn, bao gồm: thủy đình, tam quan, tiền đường, cầu, tam bảo, tả vu, hữu vu, nhà Tổ, điện Mẫu và khu phụ. Phía trước chùa Nành là hồ nước rộng, thoáng mát. Điều này phù hợp với thuyết "phong thủy".

Nằm trên thế đất “Rồng cuốn hổ chầu”, tổng thể kiến trúc chùa được trải dài với toà tiền đường 7 gian 2 dĩ, thiêu hương 6 gian và 3 gian thượng điện. Nhà giải vũ hai bên nối liền từ tiền đường xuống Điện mẫu. Nổi bật nhất trong tổng thể kiến trúc là toà thuỷ đình (cũng gọi là phương đình) được đặt trên hồ nước. Toà thủy đình với 2 tầng 8 mái. Tương truyền, nhà thuỷ đình do bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, vợ vua Lê Cảnh Hưng xây dựng vào thế kỷ 18 làm nơi múa rối nước trong những ngày hội làng. Tiếp đó là cổng ngũ môn xây 2 tầng kiểu vòm cuốn bằng chất liệu đá xanh. Toà tiền đường được xây theo kiểu độc đáo, hiếm thấy ở các ngôi chùa thuộc vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Sát hai bên hồi người ta đã xây nổi lên 2 góc mái nhỏ, mỗi góc 4 mái, có 4 đao con cong vút toả ra 4 phía: đó là gác chuông và gác khánh. Nằm giữa 2 góc là đôi rồng chầu mặt nguyệt lớn, tạo cho tổng thể kiến trúc uy nghi, đường bệ mà vẫn gần gũi với đời thường. Bộ vì làm theo 1 kiểu: “thượng cốn, hạ kẻ”. Đây là một nét đặc trưng riêng của kiến trúc chùa Nành. Toà thượng điện có nền cao hơn (90cm - 1m) so với các kiến trúc xung quanh.

Chùa Nành có tổng số 116 tượng, gồm tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Hậu được tạo tác tỉ mỉ. Nhiều tượng mang niên đại nghệ thuật cuối thế kỷ 17, tiếp đến là những tượng của thế kỷ 18 và tượng của thế kỷ 19. Ở hành lang của chùa còn có các vị tổ Truyền đăng (tức những vị tổ đem ánh sáng của Phật nối nhau truyền đạo cho đời) mà người Việt thường gọi là Thập Bát La Hán. Đáng lưu ý là hình tượng 1 vị Tổ được tạc trên hòn đá tự nhiên.

Đây là một hiện tượng rất riêng biệt ở chùa Nành mang đầy chất nghệ thuật truyền thống của người Việt. Hệ thống di vật trong chùa cũng vô cùng phong phú về thể loại và chất liệu như bia đá, chuông đồng, khánh đồng, thần phả, sắc phong cổ và quý qua các triều đại Mạc - Lê - Tây Sơn - Nguyễn. Đáng lưu ý là quả chuông “Pháp Vân tự hồng chung” niên hiệu Thịnh Đức 1 (1653). Chuông mang phong cách thời Mạc ở thế kỷ 17 với nghệ thuật điêu khắc đặc biệt: quai chuông đúc hình lưỡng long chạy ra đuôi rồng chầu vào nhau, đầu rồng  bò xuống thân chuông. Chuông đúc núm, mỗi núm trang trí các hình hoa cúc, viền chuông trang trí cánh sen cách điệu, vai chuông thon, đáy nở. Cùng với niên đại và phong cách nghệ thuật trang trí trên thân chuông, có thể xếp đây là một trong không nhiều quả chuông cổ và quý còn lại trong các ngôi chùa ở nước ta.

Ngôi chùa hiện nay còn lưu giữ 3 tấm bia đá cùng nhiều pho tượng gỗ phủ sơn rất quý như bộ tượng Tam Thế Phật (tượng cao 0,80m, tòa sen và đế cao 0,70m), tượng Tuyết Sơn (cao 0,73m), tượng Bát bộ Kim Cang (cao 1,56m), tượng Thập Điện Minh Vương (cao 1,35m), tượng Thập bát La-hán (cao 1,08m),...  Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa Nành còn có tượng bà Nành - đây là dấu tích của sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam.

Đến chùa Nành vào những ngày thường trong năm, du khách phải qua cổng phụ, cổng chính chỉ mở vào ngày lễ hội. Bước qua cánh cổng ấy, du khách thực sự phải giật mình trước vẻ thanh tịnh, cổ kính hiếm thấy ở đây. Tuy cũng đã qua nhiều lần trùng tu nhưng hiếm có di tích nào lại giữ được vẻ cổ kính trầm mặc như nơi đây. Phía trước thượng điện, chạy dài hai bên là những gian nhà bia - ngói đã lên rêu ngả màu. Những cột gỗ không được sơn bóng loáng mà thấm đẫm màu sắc bàng bạc của thời gian.

Hội chùa Nành cũng là một trong những lễ hội đặc sắc ở Hà Nội hiện nay. Hội được tổ chức từ mồng 4 đến mồng 6 tháng 2 (âm lịch) hằng năm. Tại hội chùa, các trò chơi dân gian được tổ chức sôi nổi như: bơi thuyền, thi nấu cơm, thi nâng cây phan và các nghi lễ như cầu mưa, cầu nước, cầu phồn thực của cư dân với nền nông nghiệp lúa nước ở đồng bằng sông Hồng.

Chùa Nành đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1989.

 

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM