Hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 4
Cập nhật: 13/03/2013
Ngày 12/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Thái Nguyên tổ chức họp báo giới thiệu về hội thảo, trưng bày và trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN lần thứ 4.

Theo đó, chuỗi chương trình sẽ diễn ra từ ngày 15-18/3/2013 tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thành phố Thái Nguyên.

Tại buổi họp báo, bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cho biết, trong khuôn khổ chương trình sẽ có các hoạt động: hội thảo chủ đề “Truyền thống, đổi mới, kết nối mở ra bước sáng tạo trong nghề dệt truyền thống Đông Nam Á” với sự tham gia của chuyên gia từ các nước thành viên ASEAN và các nước đối thoại Canada, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ; triển lãm về quá trình phát triển của nghề dệt may; trình diễn trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam và các bộ sưu tập thời trang truyền thống của các quốc gia tham dự; giới thiệu làng nghề và văn hóa làng nghề truyền thống của Việt Nam; hội chợ giới thiệu sản phẩm dệt may của các quốc gia tham dự.

Các hoạt động hội thảo, trưng bày, trình diễn nghề dệt truyền thống ASEAN được tổ chức tại Việt Nam lần này là cơ hội để các chuyên gia nghiên cứu, các nghệ nhân, các nhà thiết kế và các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may giao lưu, học hỏi kinh nghiệm về nghề dệt, thêu, nhuộm từ truyền thống đến hiện đại của các quốc gia thành viên ASEAN cũng như các nước đối thoại của ASEAN. Thông qua các hoạt động thiết thực này, Việt Nam và các quốc gia tham dự sẽ đưa ra được những hướng đi và cách thức để bảo tồn nghề dệt truyền thống, đồng thời tạo ra phương hướng kinh doanh và xúc tiến, quảng bá thương hiệu các sản phẩm dệt may của Việt Nam cũng như ASEAN ra thế giới.

Nhân dịp này, các nhà khoa học, các nhà sản xuất, thiết kế, nghệ nhân các làng nghề truyền thống trong lĩnh vực dệt may, thêu có sự kết nối, mở rộng hợp tác, phát triển vùng nguyên liệu dệt, phát triển những giá trị sản phẩm kết tinh từ văn hóa mỗi dân tộc bằng sự sáng tạo của nhà thiết kế, nhà sản xuất, đưa các làng nghề đến với thị trường rộng lớn hơn, đem lại hiệu quả kinh tế và xã hội cho mỗi quốc gia.

Chương trình thu hút sự tham gia của hơn 200 khách quốc tế đến từ Quỹ ASEAN, Cộng đồng nghệ thuật dệt truyền thống ASEAN, các quốc gia thành viên ASEAN và các nước đối thoại. Về phía chủ nhà Việt Nam sẽ có sự tham gia của Hiệp hội Dệt may Việt Nam; các làng nghề dệt, thêu truyền thống của các dân tộc: Kinh, Tày, Thái, Mông, Dao, Mường, Pà Thẻn, Ê Đê, Mnông, Khơ Me, Chăm; các đơn vị bảo tàng trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, nghệ nhân, các nhà thiết kế, sản xuất, phân phối quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống.

ĐCSVN