Phim quảng bá du lịch “Bốn quốc gia - Một điểm đến”: Chọn nét độc đáo để tạo ấn tượng
Cập nhật: 17/02/2011
Bộ phim quảng bá du lịch “Bốn quốc gia- Một điểm đến” sắp được khởi quay. Đây được coi là một bước đi hiện thực hóa cam kết của Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar trong việc xây dựng điểm đến chung.

Xác định đối tượng khách hàng

Theo ý kiến của một số người có chuyên môn về lữ hành, bộ phim quảng bá du lịch “Bốn quốc gia - Một điểm đến”, về thể loại, đây là một bộ phim quảng bá, do đó thời lượng phát sóng bộ phim này chỉ khoảng 20 phút. Tuy nhiên, tùy theo mục đích sử dụng, đoàn làm phim nên làm 2 phiên bản: ngắn và dài để quảng bá trên nhiều phương tiện truyền thông khác nhau.

Đối với quảng bá trong lĩnh vực du lịch có 2 loại đối tượng mà đoàn làm phim cần lưu ý: phim dành quảng bá tới khách du lịch nói chung và phim dùng cho công ty lữ hành khai thác khách. Từ đối tượng như vậy sẽ hình thành kiểu làm phim chuyên biệt. Bên cạnh đó, đoàn làm phim cũng cần lưu ý đến việc bộ phim này quảng bá tại đâu? Trình chiếu trong các nước ASEAN hay khu vực châu Á, hoặc là châu Âu?... Bởi thực tế, gu thẩm mỹ của mỗi vùng này khác nhau.

Đối với khu vực ASEAN, từ năm 2003 đã hình thành chương trình xây dựng một điểm đến chung trong hoạt động quảng bá. Tuy vậy, tùy từng đặc điểm mỗi vùng có những liên kết riêng như: du lịch tiểu vùng Mê Kông, hợp tác du lịch qua biên giới... hay như liên kết “4 quốc gia, 1 điểm đến - Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar” mới được triển khai gần đây tại hội chợ triển lãm du lịch quốc tế ITE tại TP.HCM 2010.

Đoàn làm phim cũng nên tham khảo các công ty lữ hành quốc tế để tìm hiểu quan điểm của khách, góp ý vào kịch bản để cùng xây dựng một sản phẩm chất lượng “Bốn quốc gia - Một điểm đến”.

Cần có cam kết quảng bá

Ông Nguyễn Danh Ngà, Vụ phó Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ VHTTDL) nêu kinh nghiệm làm phim quảng bá du lịch Việt Nam tại Trung Quốc: lời bình rất quan trọng và nó nâng tầm của bộ phim lên. Bên cạnh đó, âm nhạc giúp hiểu về đất nước được quảng bá nên cần có chuyên gia tư vấn từ các nước để chọn âm nhạc sao cho độc đáo.

Ông Ngà cũng nhấn mạnh, làm phim đã khó nhưng phải có kinh phí cho quảng bá. Do đó, mỗi nước cần bố trí kinh phí quảng bá bộ phim này ra thế giới. Các nước phải có cam kết quảng bá như: sử dụng phim “Bốn quốc gia- Một điểm đến” tại các hội chợ, các sự kiện du lịch tổ chức chung, hoạt động marketing, xúc tiến bán sản phẩm... Đây được coi là công cụ cho các công ty lữ hành giới thiệu bán sản phẩm nên có sự hợp tác các hãng lữ hành.

Được biết, bộ phim “Bốn quốc gia- Một điểm đến” sẽ hoàn tất trong quý I/2011. Sau khi hoàn tất cảnh quay, bản thảo sẽ được gửi tới đại sứ các nước để góp ý chỉnh sửa về hình ảnh, âm nhạc, lời bình trước khi được công chiếu rộng rãi.
Báo Văn Hóa