Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Cập nhật: 26/08/2010
UBND TP Hà Nội vừa thảo luận và góp ý kiến cho dự thảo Đề án bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Hà Nội do Sở Công thương chủ trì xây dựng.

Theo báo cáo của Sở Công thương, hiện có 25 làng nghề đang có nguy cơ mai một và cần được khôi phục như: sơn mài Hạ Thái (Thường Tín), giấy sắc Nghĩa Đô (Cầu Giấy), nhạc cụ dân tộc Đào Xá (Ứng Hòa), dệt the La Khê (Hà Đông)…

Nhiều làng nghề phát triển không ổn định do khả năng cải tiến, đổi mới mẫu mã và thay đổi công nghệ sản xuất chậm. Đề án đặt ra yêu cầu hình thành quỹ hỗ trợ, đồng thời tiến hành duy trì một số hộ, nhóm hộ tham gia hoạt động trình diễn nghề phục vụ du lịch. Với các nghề phát triển không ổn định, cần sớm hình thành những trung tâm nghiên cứu, cải tiến mẫu mã sản phẩm, áp dụng công nghệ tiên tiến song song với bảo tồn các công nghệ cổ truyền…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, Sở đã xây dựng các tour du lịch làng nghề có hiệu quả như: gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, nón làng Chuông… Tuy nhiên, việc khai thác vẫn còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng. Đề án cần xác định du lịch là yếu tố giúp tiêu thụ sản phẩm tại chỗ, khôi phục và phát triển làng nghề. Đề án cũng cần tính đến việc đào tạo nghề du lịch cho nông dân ở các làng nghề, giúp họ có kiến thức cơ bản khi giới thiệu với du khách.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Sở Công thương tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện đề án. Các tiêu chí như số lượng làng nghề cần bảo tồn, khôi phục, phát triển, nhân rộng nghề mới phải được thể hiện chi tiết.
Báo Văn Hóa