Sơn La khai thác tiềm năng du lịch văn hóa - lịch sử
Cập nhật: 24/11/2023
Tỉnh Sơn La nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Bắc, là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc anh em, có nhiều giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú… Từ lợi thế đó, Sơn La đã thu được những thành quả trong khai thác, phát huy tiềm năng du lịch nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Ðiểm du lịch xã Ngọc Chiến, Mường La với những chiếc cọn nước thu hút đông khách du lịch.

Những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã có nhiều chủ trương, chính sách phù hợp để phát triển du lịch, với mục tiêu tạo bước đột phá về phát triển các ngành dịch vụ, ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Nhờ đó, những năm gần đây, du lịch đã có nhiều chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, số lượt khách du lịch đến Sơn La ngày càng tăng, điểm đến cùng với các sản phẩm du lịch đã và đang được hình thành, để lại dấu ấn cho du khách trong và ngoài nước.

Trong quá trình khai thác thế mạnh, tiềm năng du lịch của địa phương, tỉnh Sơn La đã có nhiều giải pháp trong việc đầu tư, phát triển các loại hình du lịch, trong đó có loại hình du lịch văn hóa-lịch sử. Rõ nhất là khi khách du lịch đến với Sơn La, ngoài được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, khí hậu hay các dịch vụ du lịch sẵn có, còn được giới thiệu, trải nghiệm về văn hóa với những câu chuyện lịch sử gắn liền với vùng đất Sơn La.

Sơn La có 12 dân tộc sinh sống lâu đời với những truyền thống văn hóa lịch sử. Trong đó, nổi bật là kho tàng truyện cổ dân gian phong phú, các truyền thuyết, sự tích ly kỳ, hấp dẫn gắn liền với tên tuổi của những vùng đất, con sông, ngọn núi, bản vùng cao. Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Hiện tại, ngành du lịch tỉnh Sơn La đã phát huy tốt và gắn được việc phát triển du lịch với khai thác giá trị hai di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia và 46 di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình di tích văn hóa-lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh để thu hút khách du lịch. Cùng với đó, Sơn La phát huy hiệu quả 15 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong phát triển du lịch, trong đó có “Nghệ thuật xòe Thái” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Những năm qua, cùng với các khu, điểm du lịch mang tính chuyên nghiệp, hiện đại được hình thành ở khu du lịch quốc gia Mộc Châu và một số huyện, thành phố trong tỉnh thì các điểm du lịch văn hóa-lịch sử-tâm linh đã và đang được tỉnh Sơn La khai thác, phát huy theo thế mạnh riêng trong thu hút du khách trong và ngoài nước.

Bà Ðinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu cho biết: Du khách đến với khu du lịch quốc gia Mộc Châu không chỉ bởi yêu thích khí hậu trong lành, cảnh đẹp mà còn ấn tượng về mảnh đất giàu văn hóa truyền thống, thân thiện, có nhiều câu chuyện văn hóa-lịch sử độc đáo. Bởi vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc là một trong những nền tảng chính trong việc định hướng phát triển du lịch bền vững đang được huyện tập trung phát triển, duy trì.

Cũng như Mộc Châu, tại huyện Mường La, nhiều năm trở lại đây, lượng du khách trong và ngoài nước đến với xã vùng cao Ngọc Chiến tăng cao so với các năm trước. Bởi nơi đây không chỉ có cảnh đẹp, suối khoáng nóng mà còn có những câu chuyện, truyền thuyết ly kỳ, giải thích cho các hiện tượng tự nhiên, sự hình thành những địa danh mang yếu tố văn hóa-lịch sử trường tồn như “Truyền thuyết khâu Sam Síp” của đồng bào dân tộc Thái trắng kể về câu chuyện tình yêu nơi thượng nguồn sông Ðà của đôi trai gái vượt qua định kiến về giai cấp để đến với nhau, lập bản, dựng mường ở miền đất thơ mộng, tuyệt đẹp là xã Ngọc Chiến ngày nay, nơi được ví như “miền quê cổ tích”...

Nhiều năm qua, lượng khách du lịch đến với các địa danh du lịch của Sơn La ngày một tăng cao. Ngoài việc đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh còn quảng bá được những giá trị văn hóa-lịch sử tới du khách trong và ngoài nước… Ðây chính là kết quả của việc tỉnh đã xác định rõ tầm quan trọng, giá trị của yếu tố văn hóa-lịch sử đối với phát triển du lịch, qua đó đã dần hình thành nên những điểm đến của du khách, giúp cho ngành du lịch Sơn La ngày càng phát triển bền vững.

Bài và ảnh: Quốc Tuấn

Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 22/11/2023