Liên kết vùng để phát triển du lịch bền vững
Cập nhật: 29/06/2020
Ngày 28-6, tại Tây Ninh, đã diễn ra Lễ ký Thỏa thuận Liên kết hợp tác du lịch vùng Đông Nam Bộ giữa UBND các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai nhằm triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.  

Tới dự buổi lễ, có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; Trần Văn Nam, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương. Các đồng chí: Lê Quang Tùng, Ủy viên Dự khuyết T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Quế Đình Nguyên, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân...

Theo đó, các địa phương tham gia thỏa thuận nhằm tạo lập không gian du lịch thống nhất để cùng phát triển, tăng sức cạnh tranh; đồng thời coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn bảo vệ phát huy giá trị truyền thống, phong tục tập quán của các địa phương. Mục tiêu là để làm tăng tỷ lệ khách du lịch từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh Đông Nam Bộ và khách du lịch Đông Nam Bộ đến Thành phố, góp phần hồi phục ngành du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đi vào cụ thể, TP Hồ Chí Minh thỏa thuận chia sẻ kinh nghiệm về phát triển các sản phẩm du lịch như: du lịch MICE, du lịch văn hóa, lịch sử, mua sắm, du lịch y tế, du lịch đường thủy, ứng dụng du lịch thông minh; tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung giới thiệu về sản phẩm du lịch biển đảo, văn hóa, tâm linh; tỉnh Đồng Nai chia sẻ kinh nghiệm về phát triển du lịch sinh thái, khám phá, đưa nông sản vào khai thác du lịch; các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương tập trung giới thiệu sản phẩm du lịch mang đặc trưng của địa phương như tâm linh, lễ hội, lịch sử, sinh thái, văn hóa cộng đồng, văn hóa ẩm thực, làng nghề, nông sản nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch.

Trước mắt, Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của thành phố xây dựng một số chương trình du lịch dành cho khách du lịch nội địa từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, phía Bắc đến các tỉnh Đông Nam Bộ; các khách sạn, nhà hàng, cơ sở dịch vụ tham gia chương trình có cam kết giảm giá, kích cầu và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tốt nhất; đề nghị các hãng hàng không giảm giá vé, ưu đãi giá vé và ưu tiên đặt chỗ; tạo thành sản phẩm du lịch chung; cùng quảng bá, tiếp thị và chào bán cho du khách.

TP Hồ Chí Minh làm đầu mối mời các cơ quan truyền thông, hãng lữ hành thực hiện các chương trình khảo sát (famtrip và presstrip) để quảng bá sản phẩm du lịch, chương trình, tuyến điểm du lịch kết nối giữa các tỉnh, thành trong liên kết. Các tỉnh, thành phố trong liên kết chịu trách nhiệm đón tiếp, giới thiệu tại địa phương mình và luân phiên làm đầu mối tổ chức các chương trình. Các cơ quan báo chí của các tỉnh, thành phố phấn đấu mỗi tuần có ít nhất một bài viết, phóng sự giới thiệu về du lịch của một trong các địa phương trên các chuyên trang, chuyên đề về du lịch.

Các tỉnh, thành phố hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo nhân lực du lịch tại các cơ sở đào tạo hiện có của địa phương. Các tỉnh, thành phố lựa chọn, giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng và các dự án trọng điểm về phát triển du lịch để các thành viên cùng tham gia giới thiệu, xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch; cùng nhau thúc đẩy, phát huy lợi thế để khai thác đường hàng không từ Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đến Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), khai thác du lịch đường sông kết nối các địa phương trong vùng, khai thác tuyến cao tốc An Sương - Mộc Bài trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chú ý tập trung vào các nhóm giải pháp sau: tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, FDI vào cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Thực tiễn cho thấy, một số địa phương trong vùng Đông Nam Bộ còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch, như thiếu đường dẫn đến các tuyến điểm du lịch, cảng thủy nội địa, bến bãi đường sông; chưa có nhiều lựa chọn về khu vui chơi giải trí, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển khách du lịch…; đẩy mạnh liên kết phát triển nguồn nhân lực của ngành.

Với đặc điểm nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn, việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch của vùng Đông Nam Bộ cần nghiên cứu kỹ, có kế hoạch cụ thể cho từng nhóm đối tượng, từng địa bàn để không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành du lịch, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao dân trí và bảo tồn các nét đẹp văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn.

Với thế mạnh tập trung gần 40% tổng số cán bộ khoa học của cả nước, 13 trường đại học, cao đẳng và gần 1.300 doanh nghiệp, hơn 4.500 cơ sở lưu trú, TP Hồ Chí Minh phải giữ vai trò chủ lực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho cả vùng và cả nước; liên kết trong phát triển sản phẩm và công tác quảng bá, truyền thông cần phải có chiến lược cụ thể:

Mỗi địa phương trong vùng đều có đặc trưng riêng: Bà Rịa - Vũng Tàu có sản phẩm du lịch biển đảo, Bình Phước có tiềm năng phát triển du lịch ẩm thực gắn với văn hóa độc đáo của các dân tộc vùng cao, Đồng Nai có lợi thế phát triển du lịch khám phá - mạo hiểm - trải nghiệm, Tây Ninh có chiến khu D và núi Bà Đen… Cần khai thác hiệu quả sự đa dạng và khác biệt này trong chiến lược xây dựng sản phẩm chủ lực và thương hiệu chung của vùng; phát triển du lịch vùng phải gắn với xu hướng du lịch thông minh và du lịch có trách nhiệm để phát triển bền vững. Việc phát huy các giá trị di sản văn hóa, tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan phải gắn liền với việc bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường; chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch gắn với cộng đồng....

Đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Từ sáng kiến ban đầu của đồng chí Nguyễn Thiện Nhân về việc đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển du lịch, TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết thoả thuận liên kết hợp tác. Đến nay, TP Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng liên kết với các tỉnh, thành vùng Đông Nam Bộ và có kế hoạch phát triển mối liên kết này với các tỉnh, thành miền Trung và miền Bắc. Sáng kiến này sẽ tạo động lực và sức sống mới cho du lịch của Việt Nam trong thời gian tới.

“Để đạt được mục tiêu trên, sự liên kết hợp tác phát triển du lịch của vùng phải đáp ứng điều kiện tiên quyết là bảo đảm an toàn cho du khách, cho đội ngũ nhân lực ngành, cũng như cộng đồng xã hội; làm nền tảng cho việc đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và các chương trình kích cầu du lịch nội địa. Để có được mối liên kết bền vững, các địa phương trong vùng cần đoàn kết để thực hiện trọn vẹn năm chữ “Kết” sau trong quá trình phát triển du lịch: Kết nối xây dựng sản phẩm du lịch liên vùng; Kết nối kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vùng; Kết nối trong công tác xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu; Kết nối trong đào tạo nguồn nhân lực; Kết nối nhưng không hoà lẫn, mỗi địa phương đều định vị được sản phẩm đặc sắc để tạo nên chuỗi giá trị, hệ sinh thái du lịch vùng đặc sắc, riêng có”, ​Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đồng chí Phạm Viết Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh.

Đồng chí Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Minh Anh


 

Báo Nhân dân