Nghề truyền thống Huế - Bản sắc và phát triển
Cập nhật: 12/06/2009
Theo thông lệ, cứ hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2005, nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế và khách du lịch lại náo nức tham dự Festival nghề truyền thống Huế. Năm 2009, Festival nghề truyền thống Huế lại được tái hiện dựa trên chủ đề "Nghề truyền thống - Bản sắc và phát triển".

Đây là lần thứ 3 thành phố Huế tổ chức sự kiện này.

Năm 2005 và năm 2007, Festival nghề truyền thống Huế chủ yếu giới thiệu với công chúng một số nghề như: Chạm khắc, thêu, nón lá, đúc đồng, kim hoàn… và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, góp phần tăng cường thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Huế ngày một đông hơn. Để phát huy hơn nữa tiêu chí này, năm 2009, thành phố Huế lại tiếp tục bắt tay vào tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2009 (từ ngày 12 - 14/6/2009) nhằm tôn các nghệ nhân với 3 nghề truyền thống, đó là: sơn mài, pháp lam và gốm sứ; đồng thời cũng là hưởng ứng lễ kỷ niệm 110 năm cầu Trường Tiền và chợ Đông Ba.

Đến tham dự Festival, du khách sẽ có dịp được giao lưu, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm các nghệ nhân đến từ 15 làng nghề nổi tiếng về sơn mài, pháp lam và gốm sứ trên cả nước như: Phước Tích (Huế), Châu Ô (Quảng Ngãi), Bàu Trúc (Ninh Thuận), Gò Sành (Bình Ðịnh), Bát Tràng (Hà Nội), Chu Ðậu (Hải Dương), Phù Lãng (Bắc Ninh)... Bên cạnh đó, Festival còn quy tụ rất nhiều các nhà sưu tập cổ vật trên cả nước cùng các loại cổ vật như: gốm sứ, sơn mài, pháp lam quý hiếm từ nhiều niên đại - phô diễn vẻ đẹp trong những kiệt tác của người xưa.

Festival nghề truyền thống Huế 2009 sẽ bao gồm các hoạt động:

* Chương trình Vẻ Đẹp Việt diễn ra vào ngày 11 tháng 6 năm 2009 tại Duyệt Thị Đường và sân trước Điện Thái Hòa, Đại Nội Huế.

* Ngày 11 tháng 6 năm 2009, tại Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán số 13 Lê Lợi, thành phố Huế, công chúng tham dự sẽ được biết về một số bộ sưu tập như: Bộ sưu tập “Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn”, Bộ sưu tập “Mỹ nghệ Pháp Lam thời Nguyễn”, Bộ sưu tập “Cổ vật cung đình”…

* Không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề: Khai mạc vào ngày 12 tháng 6 năm 2009 tại phố Nguyễn Đình Chiểu. Đây là dịp tôn vinh các làng nghề trong một không gian trữ tình bên dòng sông Hương thơ mộng với hệ thống nhà rường và cảnh sắc nên thơ. Bên cạnh đó, du khách còn có dịp được thoả sức sáng tạo các tác phẩm theo ý mình dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân.

* Triển lãm trưng bày cổ vật: Khai mạc vào ngày 12 tháng 6 năm 2009 tại Khu trưng bày số 15 Lê Lợi, thành phố Huế.

Triển lãm quy tụ khoảng hơn 30 nhà sưu tập cổ vật trên cả nước với hàng trăm hiện vật quý hiếm qua nhiều niên đại, tiểu biểu là dòng gốm sứ vùng đồng bằng Bắc Bộ, Trung bộ, Chăm Nam Bộ.

* Triển lãm trưng bày gốm sứ của Gilles Fromonteil - giao hoà giữa các dòng gốm sứ Việt Nam và trên thế giới tại số 4 Hoàng Hoa Thám, thành phố Huế vào ngày 12 tháng 6 năm 2009.

* Triển lãm Trưng bày ảnh nghệ thuật về cầu Trường Tiền của nghệ sĩ người Pháp Dominique de Miscault tại khách sạn Morin vào ngày 12 tháng 6 năm 2009.

* Chương trình ca múa nhạc “Lời ru dòng sông” diễn ra tại sân khấu bãi bồi Đập Đá (thành phố Huế) vào ngày 12 và 13 tháng 6 năm 2009.

* Âm nhạc đường phố diễn ra vào các ngày 12, 13 và 14 tháng 6 năm 2009 tại đường Nguyễn Đình Chiểu.

* Diều nghệ thuật Huế diễn ra vào các ngày 12, 13 và 14 tháng 6 năm 2009 tại Công viên 3-2 và Ngọ Môna (thành phố Huế).

* Tái hiện Bến đò Thừa Phủ diễn ra vào các ngày 12, 13 và 14 tháng 6 năm 2009.

* Cờ người diễn ra vào các ngày 12, 13 tháng 6 năm 2009 tại Bia Quốc Học.

* Ngày dã ngoại về thăm Làng cổ, dự lễ tế tổ và các hoạt động tại làng Gốm Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền vào ngày 13 tháng 6 năm 2009.

* Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam năm 2009 & Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VI: Diễn ra liên tục từ ngày 10 đến 14 tháng 6 năm 2009 tại Công viên Thương Bạc, thành phố Huế.

* Tọa đàm thực tiễn “Nghề và làng nghề thủ công truyền thống, tiềm năng và định hướng phát triển” diễn ra vào ngày 14 tháng 6 năm 2009 tại Trung tâm Dịch vụ Du lịch, 11 Lê Lợi, thành phố Huế.

Toạ đàm là sự góp mặt của gần 150 đơn vị trên cả nước, cùng trao đổi trực tiếp và thẳng thắng đề xuất các giải pháp phối hợp và tháo gỡ các khó khăn, trở lực và hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để nghề thủ công truyền thống phát triển có hiệu quả nhất.

* Chương trình ca múa nhạc đặc biệt chào mừng Festival nghề truyền thống Huế 2009, kỷ niệm 110 năm cầu Trường Tiền và 110 năm chợ Đông Ba, ra mắt Hội Áo Dài với sự tham gia của các nghệ sĩ, người mẫu đến từ các thành phố: Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh.

* Chương trình bế mạc “Lễ rước tôn vinh nghề” và lễ tế tổ bách nghệ diễn ra trên đường phố Huế vào ngày 14 tháng 6 năm 2009.

* Đua thuyền trên sông Hương diễn ra vào các ngày 14 tháng 6 năm 2009 trước trường Hai Bà Trưng.

* Liên hoan Rock sinh viên Huế vào ngày 14 tháng 6 năm 2009 tại sân khấu Quảng trường Ngọ Môn.

* Liên hoan Múa Lân và quảng diễn đường phố trong suốt thời gian diễn ra Festival.

* Ẩm thực Hương xưa và nay tại sân trường Hai Bà Trưng và Ẩm thực ba miền tại Nam Châu Hội quán vào ngày 14 tháng 6 năm 2009.
Trung tâm Thông tin du lịch