Trưng bày “Rồng bay - Nghệ thuật cung đình Việt Nam” tại Pháp
Cập nhật: 01/07/2014
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề “Rồng bay - Nghệ thuật cung đình Việt Nam” tại Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia châu Á Guimet (Paris, Pháp) trong thời gian từ ngày 9/7 - 15/9 tới đây.  
 

Chương trình được tổ chức nhằm giới thiệu tới công chúng Pháp nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung khối tư liệu di sản văn hóa vật chất độc đáo, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Theo đó, 89 hiện vật tiêu biểu được trưng bày nhằm giới thiệu đến công chúng giá trị thẩm mỹ cũng như những thay đổi về hình tượng con rồng trong văn hóa, tín ngưỡng của người Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử.

Điểm nhấn của chương trình trưng bày lần này là các hiện vật mang họa tiết rồng thuộc bộ sưu tập hiện vật cung đình Huế của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam như: Kim sách bằng vàng, ấn vàng “Phong tặng chi bảo”, mũ Thượng triều được làm bằng vàng…

Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử quốc gia: Rồng tượng trưng cho sự cao quý linh thiêng. Là con vật đứng đầu trong bộ tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng), thường được trang trí ở những vị trí trang trọng và thường được tượng trưng cho quyền lực của nhà vua và cũng là tượng trưng cho điềm lành, cho sự phồn thịnh.

Từ xa xưa, rồng là vật tổ của cư dân trồng lúa nước, mang lại mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ấm no hạnh phúc. Rồng còn biểu trưng cho nguyên lý âm dương, cho sự thinh vượng. Ngày nay, rồng vẫn là biểu tượng và là đề tài trang trí vô tận trên mọi chất liệu trong nghệ thuật truyền thống của người Việt.

Trong nghệ thuật trang trí cung đình và dân gian, rồng được coi là một mô tuýp. Hình Con Rồng có mặt trên nóc nhà, các thân cột, xà dọc, cánh cửa, bậc tam cấp, bình phong của các cung điện, lăng tẩm, đền chùa, miếu mạo, từ đường.v.v... Hình Con Rồng còn thấy trên mũi thuyền, chân sập, tráp gỗ, đốc kiếm, mõ nhà sư, trên các thảm thêu, đồ sành sứ... Nó được thể hiện ở mọi tư thế: bay lượn, phủ phục, đứng yên, uốn mình dưới nhiều mô tuýp trang trí đa dạng với những chất liệu khác nhau như gỗ, đá, sành sứ, vôi vữa, kim loại.

Trước đó, từ ngày 18/6 đến ngày 22 /6/2014 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức bàn giao, đóng gói sưu tập hiện vật “Rồng bay - nghệ thuật cung đình Việt Nam”.

Phía Pháp cũng đã có trách nhiệm bảo hiểm lưu trú cho hiện vật, phối cảnh, dàn dựng trưng bày, sắp đặt các hiện vật, in ấn catalogue, các công việc liên quan đến truyền thông, xuất bản, tổ chức khai mạc trưng bày. 

CINET