Khai mạc triển lãm “Văn hóa truyền thống và trang phục các dân tộc Việt Nam” tại Hà Nội
Cập nhật: 20/11/2013
Sáng 19/11, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) trong chuỗi hoạt động của Tuần lễ “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản Văn hóa Việt Nam”, Triển lãm “Văn hóa truyền thống và trang phục các dân tộc Việt Nam” đã khai mạc.

Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Sơn Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh; Lâm Văn Khang, Phó Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo, Trưởng Ban tổ chức; Bùi Thị Thanh Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kom Tum; Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị; Trương Đức Anh, Phó Gám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị; Nguyễn Đại Đức, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh; Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam; Bùi Duy Quang, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh; Hòa thượng Chao Pờ Ro, trụ trì chùa Thom ma ni mit, cùng đông đảo nhân dân, bà con các cộng đồng dân tộc thiểu số đã tới dự.

Triển lãm Văn hóa truyền thống và trang phục các dân tộc Việt Nam do Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, 3 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang và nhà thiết kế thời trang Lan Hương (Hà Nội) thực hiện, là một hoạt động có ý nghĩa và mang tính cộng đồng cao trong Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hoá Việt Nam”.

Triển lãm giới thiệu 42 bộ trang phục, 50 sản phẩm dệt, thêu, 200 tài liệu hiện vật văn hóa Khmer và các dân tộc Việt Nam đã phán ánh sâu sắc quá trình phát triển văn hóa, trang phục từ truyền thống đến đương đại và quá trình xây dựng quần thể chùa Khmer tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Ngân, Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, thông điệp mà triển lãm muốn gửi tới công chúng tham dự hoạt động này là quan niệm vũ trụ quan, nhân sinh quan của cư dân Phương Đông cổ đại: Thiên – Địa – Nhân – Hòa. Chuyển tải lịch sử văn hóa, tâm hồn, sự sáng tạo, bản săc văn hóa dân tộc và thời đại. Người mặc trang phục không chỉ tạo nên vẻ đẹp hình thể mà còn chuyển tải lịch sử văn hóa: hình tròn, hình xoắn ốc, đồng tiền, hoa tám cánh, hình vuông là biểu tượng của trời và đất; cỏ cây, chim muông… biểu hiện cho vạn vật, chữ Phạn đem lại sự may mắn…, chân chó, răng trâu mang dấu ấn totem về nguồn gốc tộc người…, những hàng cúc thể hiện cho âm và dương, nam và nữ, những chiếc khăn Piêu (Thái) hay khăn Hồng Khoan Phạ (Sán Dìu) thể hiện cho tình cảm lứa đôi và tình yêu chung thủy, về cõi vĩnh hằng vẫn tìm nhau ở thế giới bên kia…

Chị Nguyễn Hương Giang (Thái Hà, Hà Nội) cho biết: “Sau khi được xem những trang phục và hiện vật trưng bày tại triển lãm tôi được hiểu rõ hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là những nét văn hoá đặc trưng của đồng bào Khmer Nam Bộ”.

Thông điệp của Triển lãm, cảm xúc của du khách... chính được bắt nguồn từ mạch nguồn vĩnh cửu của sự bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh đoàn kết các dân tộc Việt Nam. Triển lãm tiếp tục diễn ra đến ngày 24/11/2013.
Langvietonline