Đồng bào Chăm Ninh Thuận chuẩn bị lễ hội Katê
Cập nhật: 03/10/2013
Lễ hội Katê năm 2013 của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn tại tỉnh Ninh Thuận sẽ diễn ra từ ngày 4/10.
Năm nay, thời tiết thuận lợi, đồng bào dân tộc Chăm trong tỉnh được mùa lúa, ngô, nên bà con đã dành một phần kinh phí để sửa sang nhà cửa và chuẩn bị cho 3 ngày Tết.

Các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh đã tạo điều kiện cho bà con tổ chức lễ hội Katê tại các đền, tháp; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ lễ hội tại các khu vực trung tâm của đồng bào dân tộc Chăm Bà la môn.

Lễ hội Katê năm nay còn có sự tham gia của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Thành phố Hồ Chí Minh) cùng Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm (Ninh Thuận) tổ chức trưng bày chuyên đề trang phục, trang sức truyền thống của phụ nữ dân tộc Việt Nam tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Chăm, giới thiệu hiện vật của người Chăm, góp phần thu hút khách tham quan du lịch tham gia lễ hội Katê truyền thống của đồng bào Chăm Bà la môn.

Nhân dịp này, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận cùng các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn cán bộ đến thăm, tặng quà động viên các vị chức sắc, các gia đình chính sách và một số gia đình tiêu biểu, tích cực tham gia công tác xã hội và thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.

Đồng bào dân tộc Chăm ở tỉnh Ninh Thuận hiện có gần 74.000 người, chiếm 11,74% dân số toàn tỉnh, trong đó có hơn 43.000 người Chăm theo đạo Bà la môn, sống tập trung ở vùng đồng bằng, xen kẽ với các dân tộc anh em ở 27 thôn-làng thuộc 12 xã của 7 huyện, thành phố trong tỉnh.

Thời gian qua, Trung ương và tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhiều công trình thủy lợi vừa và nhỏ, trạm bơm, hồ chứa nước; hệ thống giao thông nông thôn; điện lưới quốc gia phục vụ sản xuất, sinh hoạt.

Tỉnh cũng đã thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình dự án; triển khai nghiên cứu, ứng dụng các đề tài khoa học, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc Chăm; chú trọng triển khai các đề tài nghiên cứu về lễ hội, văn hóa, nghệ thuật, biên soạn sách, dạy và học chữ Chăm.
Vietnam+