Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Lễ hội Tổng Nam Phù

Thời gian: 14-16/3 âm lịch

Địa điểm: Chùa Hưng Phúc, chùa Hưng Long, chùa Phổ Quang, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Đối tượng suy tôn: Nhị Vị Bồ Tát  (Lý Từ Huy và Lý Từ Thục).
Đặc điểm:Lễ hội được tổ chức 5 năm một lần với lễ rước nước, rước kiệu, các trò chơi dân gian, thi các nghề truyền thống, các trò chơi...

Lễ hội Tổng Nam Phù được nhân dân trong 10 làng tổ chức là: Tự Khoát, Tương Trúc, Mỹ Liệt, Việt Yên, Đông Trạch, Đông Phù, Đam Uyên, Tranh Khúc, Mỹ Á và Ninh Xá, để kỷ niệm Nhị vị Bồ Tát có công xây dựng nên 3 chùa, chùa Hưng Phúc, chùa Hưng Long, chùa Phổ Quang và truyền nghề giúp dân sinh sống và phát triển giáo pháp của Đức Phật.

Nhị vị Bồ Tát là hai chị em, chị là Từ Thục, em là Từ Huy đều là con vua Lý Thánh Tông. Hai Bà giác ngộ Phật pháp nên đã xin Vua cha rời bỏ cung điện đi Quy y Tam Bảo để tu hành. Hai bà chọn Tổng Nam Phù là nơi dựng chùa, bỏ tiền bạc cấp vốn cho nhân dân để khai khẩn ruộng đất trồng lúa, nuôi tằm, dậy các nghề thủ công.

Trải qua mấy chục năm chuyên tâm thiền định, cứu độ chúng sinh và tu hành đắc đạo. Nhị vị Bồ Tát dựng một am thất bằng gỗ thông ở cánh đồng Liên Hoa thuộc làng Tề (nay là làng Ninh Xá, Thường Tín, Hà Nội) và hóa vào ngày 15 tháng 3 năm Ất Hợi (1095). Sau đó nhân dân Tổng Nam Phù đã xây dựng Lăng của Nhị vị Bồ tát ngay tại nơi đây và gọi là Lăng Liên Hoa.

Để tưởng nhớ công đức Nhị vị Bồ Tát, nhân dân Tổng Nam Phù cùng dân các vùng lân cận cứ 5 năm tổ chức lễ hội một lần vào các ngày 14,15,16 tháng 3 âm lịch. Lễ hội được tổ chức rất lớn và hoành tráng ở cả ba chùa Hưng Phúc, chùa Hưng Long và chùa Phổ Quang.

Ngày 14/03: Buổi sáng, cả đoàn rước của các chùa sẽ đến bến Tranh Khúc làm lễ xin nước và rước về chùa hành lễ Bao sái. Tiếp đó là lễ Bạch Văn khai hội do đội tế nam Tương Trúc và Tự Khoát thực hiện. Buổi chiều là lễ dâng hương hiến cúng của nhân dân và các làng, sau đó là những tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian.

Ngày 15/03: Buổi sáng, đây là ngày chính của lễ hội được mở màn bằng lễ rước Kiệu Võng Nhị vị Bồ Tát và kiệu Bát cống đi xuống Lăng Liên Hoa. Đội rước kiệu của 3 chùa đều được tổ chức gần như giống nhau với đội hình như sau: Đi đầu là đội trống cái và chiêng cùng với đội múa sư tử, múa rồng do các thanh niên trong làng đảm nhiệm, sau đó là đội quốc kỳ và ngũ sắc của các cháu thiếu nhi. Tiếp theo là các cụ Thái ông, Lão bà trong trang phục truyền thống khăn đỏ áo đỏ cùng đội nhạc lễ, đội Bát bửu. Sau đó là ban hương án của Nhị vị Bồ Tát và kiệu Bát Cống do các nam nữ thanh niên đảm nhiệm. Tiếp đó là ban tế nam, cờ thần, trống chiêng, đội sinh tiền. Đoàn rước được tiếp tục với đội kiệu võng của nhị vị Bồ tát với một thiếu nữ cầm kiếm đi đầu với trách nhiệm là Nữ tướng hộ Kiệu Võng. Sau đó đoàn đội lễ được các thiếu nữ mặc áo dài của các làng đảm nhiệm. Sau cùng là các Phật tử và tín đồ, nhân dân địa phương và khách thập phương về dự lễ hội.

Từ sáng sớm các đoàn rước kiệu của cả 3 chùa đã lên đường trong tiếng chiêng tiếng chống tiếng hò reo của nhân dân bên đường. Các đoàn rước đến ngã ba kho gạo Đông Mỹ thì nhập làm một để cùng đi xuống Lăng Liên Hoa để đảnh lễ Nhị vị Bồ Tát tạo thành một dòng người đông đảo. Đoàn rước lần lượt vào Lăng và an vị hương án, kiệu Bát Cống và kiệu Võng. Sau đó làm thủ tục hành lễ yết cáo Chư Thần và đọc diễn văn Khai mạc lễ hội. Sau khi làm lễ tụng kinh, lễ tế, cúng dàng Nhị vị Bồ Tát, các đoàn rước đưa kiệu về chùa Hưng Long và thụ lộc cơm chay cùng với các Phật tử, tín đồ và dân làng. Buổi chiều, lễ tế chính hội được diễn ra vào lúc xế chiều do đội tế nam của làng Tương Trúc và Tự Khoát đảm nhiệm. Tiếp theo là lễ dâng hương hiến cúng của đội tế nữ. Ngày 16/3: Buổi sáng, Đoàn rước của hội lại tề chỉnh làm lễ tạ và rước kiệu về chùa Hưng Phúc. Sau khi an vị Hương án tại chùa Hưng Phúc thì cử hành lễ tạ và cũng là lễ hạ hội theo nghi thức Phật giáo. Đến gần trưa thì đoàn rước của chùa Hưng Long và chùa Phổ Quang hồi quy bản tự.

Lễ hội Tổng Nam Phù là một lễ hội lớn được tổ chức rất quy mô và hoành tráng, có sự tham gia của rất nhiều Phật tử, tín đồ và nhân dân trong và ngoài vùng. Xen kẽ trong ngày hội có những trò chơi dân gian, biểu diễn văn nghệ truyền thống như: hát quan họ, cải lương, chèo, tổ chức thi làng nghề, thi kéo co, chọi gà, thi cờ tướng. (Nguồn: TTTTDL, Bài và ảnh: Huy Hoàng)

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM