Email | Hòm thư góp ý | Liên hệ | Sơ đồ web
 
Hội Lồng tồng

Thời gian: đầu xuân, thuờng từ 5 đến 15 tháng giêng (âm lịch).
Địa điểm: tại bản và ngoài cánh đồng, gần suối.
Đối tượng suy tôn: Thần bản, Thần núi, Thần suối.
Đặc điểm: lễ thức mang ý nghĩa tâm linh và trò vui thể hiện tín ngưỡng phồn thực.
Đối tượng tham gia: cộng đồng người Tày và các dân tộc khác.
Nội dung chính: tế lễ cầu mọi điều tốt lành; tung còn, đánh én, múa xoè, ca hát, xuống đồng.



Vào đêm hôm trước hội, lúc gà gáy canh một, đại diện các dòng họ cùng thầy mo làm lễ rước nước từ đầu nguồn về bản để sáng ngày mở hội nước này được rước ra nơi hành lễ.

Giàn cúng: được làm bằng tre, nứa hình chữ U, đáy chữ U hướng đông; giàn cúng cao khoảng 1m so với mặt đất, rộng khoảng 40cm.

 

Lễ vật chung của bản đặt ở trên giàn cúng phía đáy chữ U, gồm bát nước, một đĩa xôi đỏ, một đĩa xôi vàng (xôi đỏ biểu trưng của mặt trời, xôi vàng biểu trưng của mặt trăng), con gà luộc, xâu cá nướng, bát tiết luộc, một con dao nhọn, một bó vải mới dệt; hai con cá bằng giấy màu vàng, hai con chim cú bằng giấy màu đỏ, hai chùm hoa bằng bỏng gạo cắm trên bẹ chuối, hai chùm quả của cây dong riềng (cây bồ đao, quả tượng trưng cho hạt gạo). Tiếp theo hai bên lễ vật cúng của thầy mo được đặt lễ vật của dân bản. Cuối dàn cúng đặt lễ của thành viên mới về bản trong năm. Lễ vật chủ yếu là các món ăn (không có bát nước, con dao và đĩa tiết).

 

Một hồi chiêng vang lên, lễ cúng mở hội bắt đầu. Thầy mo cung kính làm lễ. Nội dung bài cúng cầu mong lúa tốt như cỏ lau cỏ lác, hạt to như quả dong riềng, không bị sâu cắn phá; cá nằm chật suối, chật ao; trâu lợn đầy đàn; gà vịt đầy sân; người người khoẻ mạnh, nhà nhà đông con, bản có nhiều trẻ nhỏ, không có người ốm đau... Cúng xong, thầy mo tay cầm bát nước tay kia cầm dao lia bốn lần trên bát nước, cắt ngang dọc theo bốn phương tám hướng. Thầy mo ngậm nước phun theo các phương, tay cầm bạc trắng vảy bốn hướng.

 

Làm lễ xong ở giàn cúng chính, thầy mo đến cúng ở chân cột còn. Cúng xong thầy mo tung cao hai quả còn cho các chàng trai tranh cướp. Ai cướp được quả còn đầu tiên thì người đó được ném còn lên vòng. Người nào ném rách phông giấy thì được thưởng ba vuông vải đỏ, quả còn đó được thầy mo rạch ra lấy các loại hạt bên trong trộn với thúng thóc rang để sẵn trước đó tung lên trên đám đông người dự hội. Mọi người ai cũng muốn hứng lấy phần nhiều.

 

Sau trò ném còn là trò kéo co, đánh én, múa kiếm, múa xoè. Cuộc vui tiếp diễn đến chiều.

 

Lễ hội Lồng Tồng là sinh hoạt văn hoá điển hình nhất, đặc sắc nhất của cộng đồng người Tày ở các địa phương vùng Tây Bắc, Việt Bắc Việt Nam.

TÌM KIẾM
Điểm đến
Vùng
Tỉnh, thành phố
Loại hình
 
TRA CỨU LỄ HỘI
Ngày âm Tháng âm
 
ĐỔI LỊCH ÂM DƯƠNG
NGÀY THÁNG NĂM