Làng gốm Thanh Hà
Cập nhật: 13/04/2008
Nếu du khách có dịp đến thăm làng gốm Thanh Hà, bên cạnh cái thú được tìm hiểu nghề truyền thống nơi đây, du khách còn có thể tự tay làm ra những sản phẩm của riêng mình mang về làm kỷ niệm hoặc tặng người thân, bạn bè.

Làng gốm Thanh Hà nằm cách Hội An khoảng 3km. Từ Hội An, du khách có thể đi thăm làng gốm bằng đường bộ hoặc bằng thuyền dọc theo sông Thu Bồn.

Tương truyền vào khoảng thế kỷ thứ 16 và 17; những thợ thủ công ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đã kéo nhau vào đây lập nghiệp và lập nên làng gốm truyền thống Thanh Hà.

Sản phẩm gốm Nam Diêu Thanh Hà chủ yếu là gốm thô, không men, xương gốm mịn, hình dáng mềm mại, cân đối. Một số đồ gia dụng có trang điểm hoa văn, viền chỉ, có thể có men đơn sắc vàng, nâu đen…

Trong lịch sử; do vị trí địa lý của làng gốm Thanh Hà khá thuận lợi, đó là: làng nằm gần thương cảng Hội An, gần sông, với đội ngũ ghe bầu tốt; nên sản phẩm gốm Thanh Hà được tiêu thụ mạnh ở miền Trung và có giai đoạn được xuất khẩu nhiều đi các nước khác. 

Những năm gần đây, nghề gốm Thanh Hà được phục hồi dần và ngày càng phát triển. Ở làng Thanh Hà có khoảng 30 hộ làm gốm. Làng còn 4 lò nung cỡ lớn, mỗi lần có thể nung được tới 5.000 sản phẩm lớn nhỏ. Ngoài ra, lò nung cỡ nhỏ để nung các đồ chợ, con giống đồ chơi và các vật dụng thiết yếu như: niêu đất, bình hoa… thì hầu như nhà nào cũng có.

Theo cụ bà Nguyễn Thị Được (cụ đã 83 tuổi nhưng vẫn cùng con cháu làm gốm) cho biết: Cụ làm gốm từ năm 13 tuổi và đã theo nghề được 70 năm. Mỗi ngày, cụ Được có thể làm ra trên dưới 100 sản phẩm con giống, ấm trà, niêu đất… Quan sát các sản phẩm mà cụ Được làm, có thể thấy mức độ tinh xảo được nâng lên thành nghệ thuật. Chỉ trong vòng 5 phút, cụ đã hoàn thiện 1 bộ ấm tách trà, không cần đến bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào ngoài bàn xoay và đôi tay khéo léo.

Để mỗi sản phẩm gốm ra đời, người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn khác nhau, đầu tiên là khai thác đất, sau đó đến chuẩn bị nguyên liệu để nhào đất và nặn ra sản phẩm; tiếp đến là mang sản phẩm đi phơi khô (nếu không có nắng thì dùng điện để sấy khô) và khâu cuối cùng là quét men cho sản phẩm rồi đưa vào lò nung, đốt lửa nung gốm bằng củi, nung trong vòng 24 giờ đồng hồ, rồi để nguội 48 tiếng. Mỗi mẻ trung bình dùng hết khoảng 3m khối củi, khi dỡ lò sản phẩm bị hỏng thường chiếm từ 3-5%.

Gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng của du lịch Hội An, làng nghề Thanh Hà đã có những bước đi phù hợp để phát triển và giữ gìn nghề truyền thống. Sản phẩm của làng nghề cũng đa dạng, phong phú hơn, có thêm các mặt hàng như: phù điêu, đồ trang trí ngoại cảnh, vườn tược cho các resort ở phố Hội. Đây là một bước chuyển đổi thích hợp và đã tạo ra một bộ mặt mới cho làng gốm Thanh Hà.

Làng thường xuyên đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, tại đây du khách có thể tự tay làm ra những sản phẩm riêng của mình để mang về làm kỷ niệm.
VOV