Du lịch tâm linh, sinh thái vùng biển Kiến Thụy (Hải Phòng)
Cập nhật: 11/06/2013
(TITC) - Đúng dịp kỷ niệm 58 năm giải phóng Hải Phòng (13/5/1955 - 13/5/2013), huyện Kiến Thụy đã khai trương tour du lịch tâm linh, sinh thái với các điểm đến là: chùa Khánh Đối (thị trấn núi Đối), quần thể đền, chùa Mõ (xã Ngũ Phúc), khu tưởng niệm các Vua nhà Mạc (xã Ngũ Đoan), rừng ngập mặn (xã Đại Hợp). Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013.

Từ trung tâm thành phố Hải Phòng, theo con đường dài gần 20 km về phía nam, du khách sẽ đến thị trấn Núi Đối. Nơi đây không những được đánh giá là thơ mộng nhất ở Hải Phòng bởi mang vẻ đẹp sơn thủy hữu tình với dòng sông Đa Độ rộng lớn, xanh trong uốn lượn như dải lụa mềm cùng với núi Đối và núi Chè mà theo truyền thuyết được hình thành từ câu chuyện tình cảm động giữa thần biển Đồ Sơn với cô thôn nữ xinh đẹp vùng biển Kiến Thụy. Đỉnh núi Đối xưa còn có 5 phiến đá đại diện cho ngũ hành kim, mộc, thủy, hỏa, thổ, một thế đất tụ linh khí núi sông. Tại các địa danh này, hơn 800 năm trước, Phật hoàng Trần Nhân Tông, người sáng lập Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, đã về đây vãn cảnh trước khi về cõi Niết Bàn. Núi Đối, núi Chè cũng là nơi Hưng Đạo Đại Vương tập trung quân binh 5 tỉnh đồng bằng sông Hồng để mở trận quyết chiến đánh tan quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng.

Tọa lạc trên đỉnh núi Đối là chùa Khánh Đối. Chùa có tên chữ là Linh Sơn Viên Giác Tự, được khởi dựng cách đây hơn 800 năm. Trải qua quá trình trùng tu, tôn tạo, hiện chùa có kiến trúc hình chữ Công (工), theo kiểu chùa cổ với mái nóc đao, hoa văn chạm khắc long phượng, lưỡng long chầu nguyệt, cột và cửa chùa làm bằng gỗ lim, tọa lạc trên diện tích hơn 250m². Trong khuôn viên chùa có vườn tượng La Hán bằng đá xanh nguyên khối, với chiều cao từ 1,6 đến 1,8m, tư thế đứng, ngồi, nét mặt, động tác tay, chân vô cùng sinh động, trông như người thật; lầu Quan Thế Âm bên trong đặt tượng Phật bằng đồng nặng 1.115kg, mặt nhìn ra sông Đa Độ, đã tạo nên một không gian tĩnh mịch, mang đậm bản sắc văn hóa tín ngưỡng Phật Giáo.

Tháng 2/2011, chùa Khánh Đối đã đón nhận bằng bảo trợ Di sản văn hóa của UNESCO Việt Nam.

Rời chùa Khánh Đối, tiếp tục đi theo đường tỉnh lộ về phía tây nam khoảng 6km, du khách sẽ đến quần thể di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia đền, chùa Mõ tọa lạc tại thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc.

Theo ngọc phả đền Mõ, năm Quí Mùi (1283), công chúa Quỳnh Trân - con gái  Vua Trần Thánh Tông (1258-1278), lúc đó là Thái Thượng Hoàng, đã xuất gia qui y cửa Phật và chọn mảnh đất nằm ven sông Văn Úc (xã Ngũ Phúc ngày nay) để mộ đạo tu hành chính quả. Sau đó, công chúa đã chiêu mộ dân chúng đến vùng này khai khẩn ruộng đồng, lập điền trang, thái ấp, chùa chiền, đồng thời cung cấp lương thực, quần áo, tiền bạc nhằm mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho họ. Để điều hành công việc hàng ngày của người dân theo giờ giấc như: nghỉ ngơi, ăn uống, đi làm..., công chúa đã đặt ra hiệu lệnh bằng cách gõ mõ cho mỗi công việc. Vì vậy, ngay từ thời đó, chùa, chợ đều được gắn thêm từ Mõ: chùa Mõ, chợ Mõ. Sau khi công chúa mất, Vua Trần Anh Tông (1293-1314) đã ra sắc phong Trần Triều Ả Nương Thiên Thụy Quỳnh Trân công chúa và cho lập đền thờ bà ở ngay bên cạnh chùa Mõ, gọi là đền Mõ.

Quần thể đền, chùa Mõ là một tổng thể kiến trúc thống nhất, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên. Trong đó, đền Mõ là công trình bề thế, uy nghi, được xây dựng trên diện tích 12.724m², bao gồm: 5 gian tiền đường (cung đệ tam) được xây theo kiểu "tường hồi bổ trụ giật tam cấp", trong đó, ba gian giữa được lắp hệ thống cửa gỗ lim kiểu "cửa tùng cung khách" chắc chắn và đẹp; 5 gian đại bái (cung đệ nhị); 2 gian hậu cung hình chuôi vồ, bên trong đặt khám thờ công chúa Quỳnh Trân và hai nhà giải vũ 5 gian, 2 chái nằm hai bên tiền đường.

Cùng với kiến trúc cổ đặc sắc, trong sân đền còn có cây gạo đại thụ hơn 700 tuổi, tương truyền, cây gạo này do chính tay công chúa Quỳnh Trân trồng. Trải qua thời gian, thân cây xù xì, mọc rêu nhưng đến mùa vẫn nở hoa đỏ rực, tỏa bóng mát. Tháng 3/2011, cây gạo đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản.

Từ thị trấn Núi Đối, đi tàu trên sông Đa Độ gần 3km sẽ đến cầu Tân Phong, đi tiếp bằng xe điện khoảng 2,5km nữa du khách sẽ đến khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc (thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan).

Vương triều Mạc bắt đầu khi Mạc Đăng Dung (người làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, trấn Hải Dương - nay là làng Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng) đăng quang vào năm 1527, đóng đô ở Thăng Long, lấy Hải Dương làm Dương kinh (Kinh đô thứ 2), lập cung điện ở Cổ Trai, và kết thúc khi Vua Mạc Mậu Hợp (đời vua thứ 5) bị quân Lê-Trịnh đánh bại vào cuối năm 1592, như vậy triều Mạc tồn tại 65 năm. Tuy nhiên, hậu duệ Nhà Mạc vẫn còn cát cứ tại khu vực Cao Bằng để chống lại nhà Hậu Lê đến tận năm 1677 mới mất hẳn, kéo dài thêm 85 năm.

Trong suốt những năm trị vì, các Vua Nhà Mạc đã có nhiều công lao với đất nước. Để ghi nhớ công ơn của các vị Vua Nhà Mạc cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử Vương triều Mạc một thời, Nhà nước đã cho khởi công xây dựng Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc trên tổng diện tích 10,5ha, tại làng Cổ Trai vào năm 2009, bao gồm hơn 30 hạng mục như: khu dịch vụ tổng hợp, hồ nước, lầu bát giác, nhà trưng bày, cầu đá và hồ sen, sân tổ chức lễ hội, nghi môn nội, nghi môn ngoại, tả vu, hữu vu, nhà che văn bia, nhà sắm lễ, Bái đường, Chính điện… Công trình này đã khánh thành giai đoạn 1 vào năm 2010 và đang tiếp tục hoàn thiện giai đoạn 2.

Đến với Khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc, du khách sẽ thật sự ngỡ ngàng trước khung cảnh vừa mang nét cổ kính, linh thiêng vừa thơ mộng, lung linh với Chính điện bề thế (nơi thờ 5 vị vua triều Mạc định đô tại Thăng Long (1527 - 1592) là Thái tổ Nhân minh Cao Hoàng đế Mạc Đăng Dung, Thái Tông Văn Hoàng đế Mạc Đăng Doanh, Hiến Tông Hiển Hoàng đế Mạc Phúc Hải, Tuyên Tông Duệ Hoàng đế Mạc Phúc Nguyên, Mạc Mậu Hợp), gồm: tiền điện (7 gian), thiêu hương (ống muống), hậu cung (5 gian), trên mái lợp ngói mũi hài phục chế, ngói chiếu có hoa văn chữ thọ; cầu đá bắc qua hồ bán nguyệt, ngũ tiền môn gồm nghi môn ngoại và nghi môn nội được kiến trúc 4 trụ, 3 gian, 2 tầng, 4 mái; sân tổ chức lễ hội, nhà sắm lễ…

Tại đây còn lưu giữ nhiều cổ vật quý giá như: chiếc bình có hình ảnh chùa Một Cột, chim hạc, chuông Đại Hồng Chung nặng 1.527kg, chiêng đồng khắc nổi 2 con rồng..., đặc biệt là thanh Định Nam Đao hơn 500 năm tuổi đặt trong Chính điện. Theo các nhà khảo cổ, đây là thanh long đao lớn nhất khu vực Đông Nam Á với chiều dài 2,55m, cân nặng 25,6kg, bằng sắt rỗng, phần lưỡi dao dài 95cm, cán dao dài 1,6m. Theo gia phả dòng họ, thanh Định Nam Đao đã cùng Đức Mạc Thái Tổ xông pha trận mạc “bách chiến, bách thắng”. Trước đây, nó được dòng họ Phạm gốc Mạc ở Nam Định cất giữ. Nhưng thể theo nguyện vọng của tiên tổ và các chi họ Mạc, nó đã được rước về thôn Cổ Trai và lưu giữ tại khu tưởng niệm đúng dịp kỷ niệm 469 năm ngày mất của Mạc Thái Tổ, khánh thành khu tưởng niệm. Ngày đưa thanh long đao về đất Cổ Trai, như một sự linh ứng kỳ diệu, đúng thời khắc thanh long đao được đặt vào hộp kính đặt phía trước tượng Mạc Thái tổ, trên bầu trời xuất hiện 5 áng mây vàng hình rồng chầu về phía nhà Chính điện. Hiện trong nhà Chính điện có lưu giữ bức ảnh lớn với tên “Ngũ Long chầu triều” ghi lại thời khắc huy hoàng trên.

Để tạo ấn tượng với du khách, Ban Quản lý khu tưởng niệm còn tổ chức ăn chay, thưởng thức Mạc trà – nét văn hóa độc đáo của người Việt. Mạc trà gắn liền với Thái Tổ Mạc Đăng Dung, từ thuở hàn vi đến khi lên ngôi đế vương, trong ẩm thực thường nhật, Mạc Thái Tổ đều có thói quen uống trà.

Rời khu tưởng niệm các Vua Nhà Mạc, du khách sẽ đến rừng ngập mặn tại xã Đại Hợp. Đây là khu rừng nhân tạo được trồng cách đây khoảng 6 năm, sát biển, trên diện tích 860ha với mục đích phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Rừng ngập mặn gồm hai loài cây bần chua và trang. Cây bần chua có chiều cao trung bình 459cm, đường kính thân 149,5mm, tỷ lệ che phủ là 93%. Cây trang có chiều cao trung bình 165,5cm,  đường kính thân 90,6mm và độ che phủ 92%.

Những năm gần đây, khi du lịch phát triển, rừng ngập mặn tại xã Đại Hợp đóng vai trò lớn trong việc phát triển các loại hình du lịch như: du lịch tham quan, nghiên cứu, sinh thái...

Đến Đại Hợp, ngoài việc du khách có dịp đi bộ hoặc đi thuyền tham quan rừng ngập mặn, thưởng thức các món đặc sản ngay trong rừng ngập mặn, du khách còn có thể tìm hiểu mô hình nuôi ong, nuôi dê, nuôi ngao tại Cồn Cát, đi bắt cá, bắt cáy cùng người dân địa phương.

Thanh Hải