Vân Đồn đẩy mạnh phát triển kinh tế, du lịch
Cập nhật: 24/05/2013
Vân Đồn có tổng diện tích tự nhiên 551,23km² (phần diện tích nổi) gồm 1 thị trấn và 11 xã, trong đó có 5 xã đảo với nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển du lịch, dịch vụ và khai thác, nuôi trồng thuỷ sản.

Nhiều năm qua, Vân Đồn đã xác định thuỷ sản là một trong những ngành mũi nhọn của địa phương, vì thế đã có nhiều nghị quyết chuyên đề lãnh đạo phát triển bền vững lĩnh vực này.

Huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, rà soát, quy hoạch các vùng nuôi trồng thuỷ sản; huy động nguồn vốn trong dân, tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các nguồn vốn để mở rộng quy mô nuôi trồng... Đặc biệt, vài năm trở lại đây, huyện đã có cơ chế thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn, nhờ đó đã tạo sự đa dạng về sản phẩm nuôi trồng, thiết thực tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Hiện trên địa bàn huyện có hàng ngàn ô, lồng nuôi cá song, cá hồng, cá giò... tập trung chủ yếu ở thị trấn Cái Rồng, các xã Hạ Long, Thắng Lợi, Ngọc Vừng. Bên cạnh đó, đã thu hút nhiều hộ đầu tư nuôi tu hài, hàu Thái Bình Dương với sản lượng hàng trăm tấn/năm.

Cùng với mở rộng quy mô phát triển kinh tế thuỷ sản, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng thương hiệu một số mặt hàng truyền thống, như nước mắm Cái Rồng, sá sùng Quan Lạn... tạo cơ sở vững chắc để đẩy mạnh sản xuất hàng hoá ngày càng cao.

Không chỉ dừng lại ở thế mạnh thuỷ sản, với thềm lục địa rộng khoảng 1.600km (gấp 3 lần diện tích nổi) và hơn 600 đảo đá lớn nhỏ nằm trong Vịnh Bái Tử Long, những hang động kỳ thú, tiếp giáp với Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới tạo nên những tour du lịch biển hấp dẫn cho du khách. Bái Tử Long là một vịnh mở, môi trường biển còn hoang sơ, trong sạch, có nhiều bãi biển đẹp. Các hệ sinh thái rừng nhiệt đới trên các đảo, hệ sinh thái rừng ngập mặn và các rạn san hô thuộc Vườn quốc gia Bái Tử Long có sức hấp dẫn lớn. Những năm gần đây, huyện Vân Đồn đã nâng cấp, cải tạo và hoàn thiện nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch quan trọng trên địa bàn huyện như: Đường 334, các con đường xuyên đảo tại các xã đảo đều đã được bê tông hoá; bến cập tàu tại các xã đảo cũng được đầu tư xây dựng tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho người dân cũng như phát triển du lịch. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã đầu tư, mở các chuyến tàu cao tốc phục vụ người dân địa phương và du khách đi đến tuyến các xã đảo như Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng đáp ứng được nhu cầu của du khách. Hiện nay, Vân Đồn đang khai thác một số loại hình du lịch như: Du lịch văn hoá, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm...

Năm 2012, lượng khách du lịch trên địa bàn huyện đạt 540.000 lượt, tăng 13% so với năm 2011. Riêng đợt nghỉ lễ 30-4, 1-5 năm nay Vân Đồn đã đón khoảng 35.000 lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, huyện cũng đang tập trung vào công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động du lịch của tỉnh, tham gia các hội chợ trưng bày bán và giới thiệu sản phẩm mang tính đặc trưng của huyện.

Báo Quảng Ninh