Đánh thức tiềm năng du lịch Hà Tĩnh - mảnh đất 'địa linh nhân kiệt'
Cập nhật: 13/05/2013
Hà Tĩnh - mảnh đất “địa linh nhân kiệt” lại sở hữu tiềm năng lớn về du lịch với nhiều di tích lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đẹp đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Gần đây, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chủ trương chính sách nhằm thu hút đầu tư để phát triển ngành "công nghiệp không khói" tương xứng với tiềm năng.

Tiềm năng dồi dào

Nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung Bộ và cả nuớc, trên “Tuyến du lịch xuyên Việt” và là điểm đầu của tuyến du lịch “Con đường Di sản Miền Trung”, một trong những cửa ngõ quan trọng của không gian du lịch “Hành lang Đông - Tây”, với hệ thống giao thông thuận lợi để phát triển du lịch trong nước và các nước khác trong khối ASEAN.


Hà Tĩnh có nhiều tài nguyên tự nhiên và thắng cảnh gắn với các địa danh nổi tiếng như núi Hồng - sông La, bến Tam Soa - Tùng Lĩnh, suối Tiên - Thiên Tượng, đèo Ngang - Hoành Sơn Quan, hồ Kẻ Gỗ, Vườn quốc gia Vũ Quang, thác Vũ Môn... Với gần 137km bờ biển, Hà Tĩnh sở hữu nhiều bãi tắm đẹp như Xuân Thành, Xuân Hải, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con. Biển Hà Tĩnh được biết đến bởi vẻ đẹp nguyên sơ, chất lượng dịch vụ với giá cả phải chăng.

Tỉnh Hà Tĩnh có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử - quê hương của nhiều danh nhân gắn với di tích lịch sử, văn hóa như khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Mảnh đất này còn nổi danh với đời sống văn hoá dân gian phong phú được phản ánh qua các làn điệu dân ca, câu hát, vần thơ, lễ hội, làng nghề thủ công như hát phường vải Trường Lưu, Trường Nga; ca trù Cổ Đạm; hát ví dặm đò đưa dọc sông Lam, múa sắc bùa ở Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê; hò chèo cạn ở Cẩm Nhượng; hò Thạch Khê. Các đình, chùa nổi tiếng như chùa Hương Tích, đền Chợ Củi, Quỳnh Viên - Chiêu Trưng, đền bà Nguyễn Thị Bích Châu, Sơn phòng Hàm Nghi luôn hấp dẫn du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu và thưởng ngoạn.

Con người Hà Tĩnh cần cù, thân thiện, mến khách, sống nghĩa tình, thủy chung luôn để lại tình cảm sâu lắng cho khách du lịch sau mỗi chuyến đi, qua đó góp phần làm cho Hà Tĩnh trở thành một trong những điểm đến ấn tượng.

Tuy nhiên, Hà Tĩnh vẫn chưa phát huy được hết những tiềm năng lợi thế có được phát triển ngành “công nghiệp không khói” này. Theo thống kê từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh; thời gian qua lượng khách đến Hà Tĩnh có tăng chậm và chủ yếu là khách du lịch công vụ. Thời gian lưu trú của khách khi đến tỉnh còn thấp (bình quân 1,2 ngày/người).

Nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn thiếu, chưa đồng bộ và tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đầu tư phát triển hiện nay. Hà Tĩnh còn thiếu những sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao và các khu vui chơi giải trí tổng hợp, các khu dịch vụ đi kèm. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư đã được quan tâm nhưng chưa thực sự mạnh mẽ, chưa thường xuyên nên hiệu quả đạt được còn thấp. Tuy Hà Tĩnh có nguồn nhân lực dồi dào nhưng trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ của đội ngũ lao động trong ngành du lịch còn nhiều hạn chế dẫn đến chất lượng dịch vụ thấp.

Đánh thức tiềm năng

Để khai thác có hiệu quả, xứng tầm với những tiềm năng có được, tỉnh Hà Tĩnh đã và đang ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển du lịch. Ông Võ Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết: Nhằm phát huy những tiềm năng và lợi thế có được, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh giai đoạn 1997-2010, điều chỉnh định hướng đến năm 2020 để triển khai chỉ đạo, quản lý các hoạt động của ngành du lịch trên phạm vi toàn tỉnh và bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan.

Nhận thức được tầm quan trọng của ngành du lịch trong việc phát triển du lịch đối với nền kinh tế và quan hệ quốc tế, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo phát triển du lịch, phê duyệt quy hoạch chi tiết các khu du lịch, ban hành một số chính sách phát triển du lịch giai đoạn 2013- 2020 trong đó có nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư, hỗ trợ các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực du lịch như: đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trong nước và ngoài nước có đăng ký kinh doanh du lịch theo quy định của pháp luật thì sẽ được hưởng một số chính sách ưu đãi của Nhà nước và tỉnh theo quy định hiện hành: các nhà đầu tư sẽ được tỉnh dành những khu đất có lợi thế, diện tích tối thiểu 2ha ven các trục giao thông chính ở thành phố, thị xã và thị trấn để xây dựng các dự án du lịch trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được phê duyệt.

Hệ thống cơ sở lưu trú tỉnh Hà Tĩnh đã phát triển với tốc độ khá nhanh. Năm 2000, cả tỉnh chỉ có 24 cơ sở lưu trú đi vào hoạt động với 425 buồng thì tính đến nay toàn tỉnh đã có 138 cơ sở lưu trú với hơn 3.000 buồng trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao, 17 khách sạn 2 sao, 20 khách sạn 1 sao và 39 đơn vị đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Các loại hình du lịch tại tỉnh Hà Tĩnh cũng đang ngày càng phong phú, đa dạng hơn như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch văn hóa, tâm linh... Hình thành các khu, điểm du lịch tạo điểm đến cho các tour, tuyến du lịch, như: Khu du lịch quốc gia Thiên Cầm, Khu du lịch biển Xuân Thành, Khu du lịch biển Hoành Sơn, Khu sinh thái Nước sốt Sơn Kim, Chùa Hương Tích, Ngã ba Đồng Lộc, Khu lưu niệm Nguyễn Du.

Vietnam+