Làng Bồ Bản (Đà Nẵng) nô nức khai hội
Cập nhật: 28/03/2013
Ngày 24/3, dân làng Bồ Bản (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Tp. Đà Nẵng) nô nức về dự lễ khai mạc lễ hội đình làng Bồ Bản lần thứ 4.

Theo quy lệ, lễ hội đình làng Bồ Bản được tổ chức 3 năm một lần. Phần lễ diễn ra theo nghi lễ truyền thống của làng gồm: lễ cúng cầu an, lễ tế cổ truyền, dâng hoa quả, lễ vật và dâng hương.  

Phần hội thường sôi nổi với các trò chơi dân gian như: đua thuyền, kéo co nam nữ, thi bắt lươn, đập nước, hát bài chòi… Đặc biệt, năm nay, hò khoan đối đáp cùng các trò chơi dân gian gắn với đời sống lao động của người xưa lần đầu tiên được phục dựng sinh động, lôi cuốn.    

Làng Bồ Bản được hình thành vào những năm cuối thế kỷ 15 (khoảng năm 1470), do các vị tiền nhân của 4 tộc Trần, Hồ, Trương, Nguyễn đến khai khẩn đất đai, lập nghiệp. Năm Canh Thân niên hiệu Cảnh Thịnh (1800), đình làng Bồ Bản được xây dựng bằng tre, mái lá làm nơi tổ chức lễ hội, cúng tế hàng năm của dân làng.  

Đến đời Vua Tự Đức thứ 5, năm Nhâm Tý (1852), đình làng được xây dựng lại, với địa hình rộng rãi, thoáng mát, có thế rồng chầu, hổ phục, kết cấu vững chãi. Năm Thành Thái 18 (1906), đình làng được trùng tu, nhưng kiến trúc vẫn giữ nguyên vốn cổ. Sau cơn bão số 2 năm Kỷ Tỵ, với sự tàn phá của chiến tranh, đình làng Bồ Bản bị hư hại nặng nề, đến năm 1989 dân làng mới có điều kiện tu sửa. Năm 1999, đình làng được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Báo Đà Nẵng