Giải pháp thu hút khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam
Cập nhật: 25/01/2013
(TITC) - Nhật Bản là quốc gia nằm ở khu vực Đông Bắc Á, có diện tích tự nhiên khoảng 370.000km² với dân số khoảng 127 triệu người (năm 2010). Toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản được chia thành 4 đảo lớn là Hokkaido, Honshyu, Shikoku và Kyushyu. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới và là nước xuất siêu, thu nhập bình quân đầu người khoảng 43.000 USD/năm (năm 2009).
                      (Nguồn ảnh: internet)

Thị trường khách du lịch Nhật Bản được coi là một trong những thị trường lớn nhất trên thế giới với lượng khách đi du lịch nước ngoài những năm gần đây có năm lên đến 18 triệu lượt khách một năm. Khách du lịch Nhật Bản được xem là “những khách du lịch tốt nhất thế giới”, được đánh giá cao vì sự lịch sự, gọn gàng và khả năng chi tiêu cao. Đây cũng là một trong những thị trường khách du lịch có đóng góp lớn nhất đối với ngành du lịch Việt Nam.  

Chính sách du lịch của Nhật Bản

Tháng 2 năm 2003, nguyên Thủ tướng Nhật Bản Koizumi đã thông qua Chương trình xúc tiến du lịch Visit Japan Campaign – “Chương trình tới thăm Nhật Bản” với khẩu hiệu Yokoso Japan (Welcome to Japan) - Nhật Bản chào đón đánh dấu một bước chuyển lớn trong chính sách phát triển du lịch của Nhật Bản, đặc biệt là chính sách du lịch inbound. Các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm được Nhật Bản xác định xúc tiến du lịch gồm 12 nước và vùng lãnh thổ là: Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Mỹ, Canada, Anh, Đức, Pháp và Úc. Ngoài ra, Nhật còn quan tâm xúc tiến du lịch tại một số thị trường khác như Ấn Độ, Nga và Malaysia. Tuy nhiên, ngành du lịch và các dịch vụ liên quan đến du lịch hiện nay vẫn chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong cơ cấu kinh tế của Nhật Bản, khoảng 6% GDP và nguồn thu chủ yếu là từ hoạt động du lịch trong nước. Nhờ sự phát triển kinh tế, Nhật Bản hiện là một trong những nước có lượng khách outbound lớn nhất thế giới và liên tục tăng trưởng hàng năm. Top 20 nước trên thế giới mà người Nhật đi du lịch nhiều nhất chủ yếu là các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Singapore, Malaysia. Ngoài ra, Mỹ, Hawaii (thuộc Mỹ), Canada… cũng là những điểm đến ưa thích của du khách Nhật.

Để khuyến khích người dân Nhật Bản đi du lịch nước ngoài, từ năm 1992, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Quỹ Khuyến khích du lịch dài ngày tại nước ngoài (Japan Long-stay Foundation). Ngoài ra, năm 2008, Chính phủ Nhật Bản cũng đã phát động “Chiến dịch đi thăm thế giới - Visit World Campaign” với mục tiêu đến năm 2010, có 20 triệu người Nhật Bản đi du lịch nước ngoài, xây dựng quan hệ kinh doanh chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp du lịch của Nhật Bản với các đối tác nước ngoài. Theo kế hoạch thực hiện chiến dịch, Hiệp hội Du lịch Nhật Bản (JATA) đã tập trung xúc tiến 23 thị trường outbound mục tiêu, trong đó có Việt Nam. Trong 6 tháng cuối năm 2008, cùng với Trung Quốc, Ma Cao, Việt Nam là một trong 3 thị trường được JATA đẩy mạnh xúc tiến.    

Đặc điểm của khách du lịch Nhật Bản

Người Nhật Bản đi du lịch đông nhất vào một số thời điểm trong năm như: đầu năm mới, nghỉ Xuân tháng 3, tuần lễ vàng đầu tháng 5, lễ Obon vào tháng 8 và trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến cuối năm.Các điểm đến được du khách Nhật ưa thích là những nơi có phong cảnh đẹp, các điểm di tích lịch sử, những điểm đến thân thiện với môi trường, có ẩm thực đặc biệt, có giá trị về nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ, những điểm đến có ưu thế về mua sắm và hệ thống cửa hàng bán đồ lưu niệm…

Một bộ phận du khách Nhật (đặc biệt là giới trẻ) thường thích đi quán bar hoặc câu lạc bộ đêm sau bữa tối. Người Nhật Bản đặc biệt thích tham gia vào các hoạt động tình nguyện hướng tới cộng đồng như phổ biến văn hóa Nhật Bản, vệ sinh đường phố, trồng cây, tuyên truyền phòng chống bệnh dịch…  

Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn điểm đến du lịch của du khách Nhật Bản là an ninh, sự sạch sẽ, cơ sở lưu trú tiện nghi với dịch vụ chu đáo, hệ thống giao thông thuận tiện, chất lượng của hướng dẫn viên du lịch sử dụng tiếng Nhật, các thông tin, sách hướng dẫn. Ngoài ra, các yếu tố thời tiết, bệnh dịch, sức khỏe và y tế cũng ảnh hưởng tới việc lựa chọn điểm đến của khách du lịch Nhật Bản.

Những năm gần đây, Việt Nam là một trong những điểm du lịch được yêu thích của khách du lịch Nhật Bản. Ấn tượng chủ yếu của công chúng Nhật Bản đối với Việt Nam là áo dài, các di sản văn hóa, ẩm thực, đồ thủ công mỹ nghệ, phong cảnh thiên nhiên và di tích lịch sử.    

Những hoạt động đã triển khai trong việc thu hút khách du lịch Nhật Bản

Trong những năm qua, Tổng cục Du lịch đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại Nhật Bản như: tham gia Hội chợ du lịch quốc tế JATA được tổ chức thường niên tại Tokyo; tham gia lễ hội văn hóa du lịch do Trung tâm ASEAN - Nhật Bản tổ chức; phối hợp với VietNam Airlines tổ chức 03 Roadshow lớn tại 3 thành phố của Nhật Bản là Osaka, Nagoya và Tokyo; tổ chức lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản; phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành và Vietnam Airlines đón các đoàn famtrip và presstrip từ Nhật; xây dựng website quảng bá, giới thiệu du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật; xuất bản các ấn phẩm tiếng Nhật; phối hợp với Trung tâm ASEAN – Nhật Bản tổ chức 02 lớp tập huấn về thị trường khách du lịch Nhật Bản…

Hiện ngành du lịch Việt Nam đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng như dịch vụ du lịch phục vụ du khách Nhật Bản. Những năm gần đây, lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam ngày càng tăng và trở thành một trong những nước có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất, với 481.519 lượt khách vào năm 2011, chỉ đứng sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Thuận lợi và khó khăn trong việc thu hút khách du lịch Nhật Bản

Ngành du lịch Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch Nhật Bản như: tài nguyên du lịch phong phú, phù hợp với sở thích và nhu cầu của khách du lịch Nhật Bản (du lịch di sản, du lịch sức khỏe, du lịch biển…); an ninh, chính trị ổn định; khách du lịch Nhật Bản khi đến Việt Nam được miễn visa trong khoảng thời gian 15 ngày; khoảng cách địa lý từ Nhật Bản đến Việt Nam tương đối gần, chỉ mất khoảng 5 tiếng bay thẳng; văn hóa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng; quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng được củng cố và đã được nâng lên tầm đối tác chiến lược; đa số người dân Nhật Bản có thiện cảm với hình ảnh đất nước và con người Việt Nam…

Bên cạnh những thuận lợi kể trên, du lịch Việt Nam cũng gặp một số khó khăn trong việc thu hút khách du lịch Nhật Bản như: kinh phí đầu tư cho việc nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch nói chung và khách du lịch Nhật Bản nói riêng còn quá ít; thiếu một chiến lược marketing và nhiều sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu khách du lịch Nhật Bản; chưa có văn phòng xúc tiến du lịch tại Nhật Bản nói riêng và tại nước ngoài nói chung; một số vấn đề về chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, trật tự an toàn xã hội, tắc nghẽn giao thông, vệ sinh, ô nhiễm môi trường, thiên tai; chưa tạo được cầu nối và sự gắn kết thường xuyên trong việc nghiên cứu thị trường, cung cấp thông tin du lịch, xúc tiến, quảng bá giữa cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp đón và gửi khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam; sự cạnh tranh của các quốc gia trong khu vực trong việc thu hút khách du lịch Nhật Bản ngày càng lớn…

Các giải pháp thu hút khách du lịch Nhật Bản

Để thu hút nhiều hơn khách du lịch Nhật Bản, đạt được mục tiêu đón 1 triệu khách vào năm 2015, ngành du lịch Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp sau:

Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách: tăng thời gian miễn thị thực nhập cảnh cho khách du lịch Nhật Bản; huy động các nguồn lực của địa phương trong công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch Nhật Bản; hình thành quỹ xúc tiến du lịch thị trường Nhật Bản; phối hợp với các cơ quan liên ngành trong việc phát triển các sản phẩm hoặc dịch vụ du lịch mới cho khách du lịch Nhật Bản; có chính sách phát triển nguồn nhân lực hợp lý…  

Nhóm giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch: xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch theo nhóm các sản phẩm dịch vụ cho khách Nhật Bản nói chung và nhóm các sản phẩm du lịch đặc thù theo từng phân đoạn thị trường; tập trung quảng bá một số điểm đến cụ thể như con đường di sản miền Trung và vịnh Hạ Long, du lịch biển Phú Quốc và Đà Nẵng, Quảng Nam (kết hợp với du lịch di sản), du lịch học đường, du lịch nghỉ dưỡng dài ngày (Khánh Hòa, Bình Thuận), du lịch mua sắm, ẩm thực (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh)…

Nhóm giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch: nghiên cứu, xây dựng website giới thiệu du lịch Việt Nam bằng tiếng Nhật; thành lập nhóm công tác du lịch Việt Nam – Nhật Bản; xây dựng tổ chức bộ máy và cơ chế duy trì hoạt động xúc tiến thường xuyên tại Nhật Bản; tham gia chương trình, hội chợ, sự kiện du lịch thường niên tại Nhật Bản; xây dựng kế hoạch mời và đón tiếp các đoàn famtrip của Nhật Bản vào Việt Nam khảo sát, đưa tin, viết bài quảng bá cho du lịch Việt Nam; tổ chức điều tra, thu thập thông tin về thị trường để hỗ trợ cho công tác lập kế hoạch xúc tiến tại Nhật Bản; tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch thường niên, các sự kiện giao lưu văn hóa, du lịch Việt - Nhật; tổ chức các hoạt động tuyên truyền và giáo dục cộng đồng nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách Nhật khi đến thăm Việt Nam; xuất bản các ấn phẩm xúc tiến du lịch; xây dựng hệ thống chỉ dẫn và biển báo du lịch bằng tiếng Nhật tại các trung tâm du lịch lớn và các điểm đến khách du lịch Nhật Bản ưa thích.

Nhóm giải pháp về liên kết phát triển thị trường khách: hợp tác với Lào và Campuchia để tạo ra các sản phẩm du lịch liên quốc gia cũng như quảng cáo chung cho 3 điểm đến; hợp tác với Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản trong xúc tiến du lịch.

Trong đó, ngành du lịch cần tập trung vào các giải pháp đột phá đến năm 2015 như: nghiên cứu xây dựng và quảng bá một số sản phẩm du lịch mới; xây dựng và duy trì website xúc tiến du lịch, đầu tư cho quảng bá trên các mạng xã hội và blog du lịch mà người Nhật Bản thường xuyên sử dụng (Facebook, twitter, mixi, ameba...); tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp và Hiệp hội Lữ hành Nhật Bản (JATA), các hãng truyền thông Nhật Bản trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đầu tư kinh phí và nhân lực thích đáng cho công tác phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch tại Nhật Bản…  

Như vậy, để đạt được mục tiêu thu hút 7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vào năm 2015 như trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã đề ra, du lịch Việt Nam cần có chiến lược đúng đắn và lâu dài, đặc biệt cần tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá đối với thị trường khách du lịch Nhật Bản, coi đây là một trong những thị trường mục tiêu, quan trọng hàng đầu của ngành du lịch nước nhà.  

Phạm Phương

(TLTK: Tổng cục Du lịch, Đề án Đẩy mạnh thu hút khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015, tháng 6/2012)